Đây là vụ khai thác rừng trái phép đặc biệt nghiêm trọng, hủy hoại hơn 10 cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, chủ yếu là cây bạch tùng, báo chí đã đưa tin ngày 24/11/2020.
Cụ thể tại văn bản số 9553, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà khẩn trương chỉ đạo Công an huyện, Hạt Kiểm lâm huyện khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ vụ việc, hoàn tất hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân có liên quan do thiếu trách nhiệm, không kịp thời kiểm tra, ngăn chặn để xảy ra vụ vi phạm nêu trên. Các đơn vị trên phải báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trước ngày 20/12/2020.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng, phối hợp với chủ rừng kiên quyết xử lý vi phạm, không để xảy ra trường hợp tương tự. Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an huyện Lâm Hà tích cực điều tra, sớm hoàn thiện hồ sơ để xử lý nghiêm vụ khai thác rừng nêu trên.
Sáng 25/11, Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng Công an huyện Lâm Hà cho biết: Cơ quan điều tra Công an huyện đang hoàn thiện hồ sơ để sớm khởi tố vụ án.
Trước đó ngày 24/11/2020, TTXVN đã có thông tin về vụ rừng bạch tùng hàng trăm năm tuổi bị khai thác trái phép bừa bãi trong rừng tự nhiên tại tiểu khu 249, xã Đạ Đờn (Lâm Hà, Lâm Đồng). Tại hiện trường, nhóm phóng viên chứng kiến khoảng hơn 10 cây gỗ cổ thụ hàng trăm năm tuổi (chủ yếu là cây bạch tùng), có thân cây hai người ôm không hết, dài từ 30- 50m bị chặt hạ và đã cưa xẻ.
Điều đáng nói là diện tích rừng trên thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà. Trong nhiều năm qua, hàng trăm ha rừng biến mất, trở thành đất sản xuất, đất ở của người dân địa phương cũng như từ nơi khác đến. Trong hàng trăm ha rừng biến mất ấy, có nhiều diện tích đã bị chính cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà lấn chiếm, tự ý xây nhà trái phép trên đất rừng, trồng cây nông nghiệp, công nghiệp như cà phê, mắc ca. Những diện tích đất rừng bị lấn chiếm đến nay rất khó để giải tỏa, thu hồi…