Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin tại khu vực xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc có trường hợp hộ dân “ken gốc” (vạt vỏ xung quanh gốc gây) 49 gốc cây, với trữ lượng gỗ khoảng 54 m3, nhằm mục đích cho cây chết để lấy đất canh tác. Số cây rừng bị “ken gốc” là các loại gỗ sao, sến, dầu… có đường kính 15-50 cm. Toàn bộ cây rừng đều bị dạt vỏ từ gốc lên hơn 1m.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, từ năm 2015 đến nay có trên 20 vụ phá rừng trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc chưa xử lý do chưa xác định được người phá rừng. UBND tỉnh yêu cầu phải xử lý nghiêm hành vi vi phạm (nếu có). Kết quả báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/10.
Cũng trong ngày 26/10, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND huyện Hàm Thuận Nam liên quan đến việc phá rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú tăng cường lực lượng ứng trực, tổ chức tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm và mua bán, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép tại lâm phận khu bảo tồn.
Đồng thời, có biện pháp tổ chức bảo vệ để rừng tái sinh. Trước mắt, giữ nguyên hiện trường, không để đối tượng đốt dọn hoặc tiếp tục phá rừng. Phối hợp với Kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền đến các hộ dân sinh sống và canh tác nông nghiệp khu vực giáp ranh khu bảo tồn để các hộ dân nhận thức về các hành vi nói trên là vi phạm pháp luật sẽ bị nghiêm trị theo quy định pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm bố trí lực lượng Kiểm lâm cơ động phối hợp với kiểm lâm địa bàn hỗ trợ cho Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú và UBND xã Tân Thuận tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Đồng thời làm rõ đối tượng cầm đầu, xúi giục để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, không để tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tiếp tục tái diễn.
Ngoài ra, UBND tỉnh giao UBND huyện Hàm Thuận Nam chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của UBND xã Tân Thuận và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền đã để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép kéo dài tại khu vực thuộc địa bàn hành chính xã quản lý mà không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và đề xuất xử lý kịp thời. Cùng đó, phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú kiểm tra, xử lý nghiêm việc lấn chiếm, cơi nới trái phép diện tích đất lâm nghiệp tại khu vực khu bảo tồn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, toàn bộ diện tích hơn 1,2 ha rừng bị phá tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú đều nằm tiếp giáp với diện tích đất lâm nghiệp đã bị các hộ dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp trước đây thuộc địa giới hành chính xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam. Từ khoảng tháng 7 đến tháng 9/2018, các đối tượng đưa cưa máy vào hạ cây từ bìa rừng vào với mục đích phá rừng để lấy đất sản xuất.