Những tháng cuối năm 2016, đầu năm 2017, công tác chống buôn lậu thuốc lá có dấu hiệu chùng xuống. Nguyên nhân được chỉ ra là do sự thiếu nhất quán trong các văn bản pháp quy liên quan đến việc xử lý hành vi buôn lậu thuốc lá như các quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định 124/2015/NĐ-TTg, công văn số 06/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao, Luật Thương mại, Luật Đầu tư…
Điều này gây khó khăn và ách tắc việc xét xử tội danh buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, làm mất đi công cụ răn đe có tính mạnh mẽ nhất của pháp luật; đồng thời cũng làm giảm đi sự quyết liệt trong công tác chống thuốc lá lậu của các lực lượng chức năng vì bắt giữ mà không xử lý được.
Thuốc lá ngoại nhập lậu bày bán trên phố Lê Thái Tổ, Hà Nội. Những bao Zet, Hero... không hề có tem và cảnh báo sức khỏe. |
Chia sẻ với phóng viên, ông Võ Xuân Sơn, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, dẫn chứng: "Theo Luật Đầu tư 2014, thuốc lá là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nhưng Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ lại quy định thuốc lá nhập lậu là hàng cấm, nên không có sự thống nhất giữa Luật và Nghị định, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý, nhất là với các trường hợp đủ định lượng truy cứu trách nhiệm hình sự".
Giải thích thêm về điều này, đại diện Hiệp hội Thuốc lá cho biết: Luật Thương mại 2005 đã đưa “thuốc lá điếu nhập lậu” vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Tại Điều 9 của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 cũng quy định “mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu” là những hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên Luật Đầu tư 2014 không quy định cấm đầu tư, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu, trong khi lại quy định sản xuất, kinh doanh thuốc lá điếu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Điều này dễ gây hiểu nhầm là kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu thuộc ngành nghề có điều kiện và tạo ra khó khăn trong công tác xử lý hình sự đối với kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, một bất cập khác nằm ở điều 190, 191 của Bộ Luật Hình sự 2015 khi phải định giá hàng cấm mới có thể xử lý hình sự. Nếu như theo các quy định trước đây, tính theo số bao thuốc lá lậu thu giữ được (từ 500 bao trở lên theo Nghị định số 124/2015/NĐ-CP) sẽ có thể truy tố hình sự thì quy định mới là giá trị hàng hóa phạm pháp tối thiểu phải bằng 100 triệu đồng.
Đại diện các Sở Công Thương địa phương cho rằng rất khó để xác định được giá trị của thuốc lá lậu do các giao dịch dân sự trong mua bán thuốc lá lậu là bất hợp pháp và không được công nhận. Hơn nữa, không có cơ sở để xác định giá trị của thuốc lá lậu. Điều này đã làm giảm gần như toàn bộ việc xử lý hình sự đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên toàn quốc.
Tiêu hủy thuốc lá lậu thu giữ được tại Đắk Lắk. Ảnh: Quản lý thị trường Đắk Lắk cung cấp. |
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Bộ Luật hình sự 100/2015/QH13, không áp dụng giá trị hàng phạm pháp tối thiểu làm căn cứ để định tội và định khung đối với các tội danh liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu mà xử lý hình sự đối với các hành vi kể trên dựa trên cơ sở số lượng từ 500 bao trở lên, thống nhất với quy định tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể: Đối với Khoản 1 Điều 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm), cần quy định xử lý hình sự đối với trường hợp: b)Hàng cấm, hàng phạm pháp là thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến 3.000 bao; hoặc từ 500 bao đến 1.500 bao, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, hoặc tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm quy định tại Điều 191 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm
Đối với Khoản 1 Điều 191 (tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm), cần quy định xử lý hình sự đối với trường hợp: b) Hàng cấm, hàng phạm pháp là thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến 3.000 bao; hoặc từ 500 bao đến 1.500 bao, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, hoặc tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm quy định tại Điều 191 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cho phép chuyển việc quản lý Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá về Bộ Tài chính (thay vì Bộ Y tế) để phù hợp với chức năng quản lý chuyên môn và trích 50% Quỹ cho công tác đấu tranh phòng chống thuốc lá nhập lậu, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp thi hành công tác chống buôn lậu thuốc lá.
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, thuốc lá lậu có xu hướng tăng trở lại và diễn biến phức tạp. Số lượng thuốc lá buôn lậu ước tăng 10% so với 2015, chiếm 20% thị phần, gây thất thu thuế của Nhà nước ước tính khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng.
Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi, manh động, sử dụng các phương tiện, thiết bị hiện đại, thách thức các cơ quan quản lý Nhà nước. Điển hình, vào ngày 15/9/2016, nhóm buôn lậu đã liều lĩnh chống lại quản lý thị trường tỉnh Long An để cướp tang vật khiến 1 cán bộ quản lý thị trường hy sinh.