Theo cáo trạng, khoảng 17h15 ngày 7/5/2015, tổ công tác Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) kiểm tra hành chính quán karaoke ở phố Đặng Văn Ngữ (phường Trung Tự, quận Đống Đa), đưa 6 người không giấy tờ tùy thân về công an quận giải quyết. Trong số 6 người này có Nguyễn Minh Anh, Vũ Anh Duy và Nguyễn Thái Bình là cán bộ Đội 2, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội. Công an quận Đống Đa cho test ma túy đối với 6 người, kết quả xác định âm tính.
Do không phát hiện vi phạm nên Công an quận Đống Đa đã liên hệ với Ban chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 2 đến nhận bàn giao đối với 3 cán bộ.
Sau sự việc, do sợ bị xử lý kỷ luật vì đã bỏ vị trí công tác, ngày 7/5/2015, Minh Anh nhờ người quen tìm người giúp để không bị xử lý kỷ luật. Lúc này Minh Anh được giới thiệu gặp bị can Thủy (khi đó đang là điều tra viên Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy, Công an huyện Đan Phượng). Thủy nhận lời giúp 3 cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông để những người này không bị xử lý kỷ luật. Thủy tìm gặp bị can Nam (thời điểm đó đang là Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Cầu Giấy), nhờ đến gặp để xin lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho Minh Anh, Duy và Bình không bị xử lý kỷ luật.
Theo yêu cầu của Thủy, người nhà của 3 cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 2 đã chuẩn bị tiền để đưa cho Thủy “lo việc”. Tổng cộng, Thủy đã nhận 690 triệu đồng và 30.000 USD của Minh Anh, Duy, Bình. Sau khi nhận tiền, Thủy đã chuyển cho Nam 30.000 USD và 30 triệu đồng.
Liên quan đến vụ việc, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội xác định, Bình, Duy và Minh Anh đã bỏ vị trí công tác, vi phạm điều lệnh, kỷ luật ngành nên đã báo cáo lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội xem xét, xử lý vi phạm.
Ngày 8/10/2015, Công an thành phố Hà Nội ra quyết định điều động cán bộ đối với Minh Anh, Duy và Bình từ Phòng Cảnh sát giao thông đến công tác tại Phòng Cảnh sát bảo vệ, Công an thành phố Hà Nội. Bị điều chuyển công tác, 3 người này đã làm đơn gửi đến Công an thành phố Hà Nội tố giác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Thủy và Nam.
Quá trình điều tra, gia đình các bị hại đã giao nộp 1 thiết bị ghi âm, quay hình dạng bút, 1 USB có nội dung ghi âm liên quan đến việc Thủy nhận tiền để “lo việc”.
Tại cơ quan điều tra, ban đầu Thủy khai nhận phù hợp với nội dung cáo buộc. Sau đó bị can thay đổi lời khai, cho rằng toàn bộ số tiền đã chuyển hết cho Nam để nhờ Nam lo giúp.
Viện Kiểm sát xác định, đủ cơ sở kết luận Thủy đã có hành vi gian dối, đưa ra những cam kết, hứa hẹn để nhận 690 triệu đồng và 30.000 USD để lo giúp 3 người (Minh Anh, Duy và Bình) không bị xử lý kỷ luật và không bị chuyển công tác. Trong đó, Thủy đưa cho Nam 30.000 USD và 30 triệu đồng. Còn lại 660 triệu đồng Thủy chiếm đoạt và tiêu dùng vào mục đích cá nhân. Quá trình điều tra, Phạm Hoài Nam đã giao nộp cho cơ quan điều tra số tiền 30.000 USD.
Cũng trong ngày 15/4, thông tin từ Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn vừa ra Quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đình Duyệt, hiện đang giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn. Quyết định được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn, ông Nguyễn Đình Duyệt bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo thông tin ban đầu, các sai phạm của ông Duyệt liên quan đến vai trò là Phó Giám đốc Sở, kiêm Trưởng ban Quản lý các dự án đầu tư do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư. Ở vị trí này, ông Duyệt đã móc nối với nhà thầu, cố tình làm trái để trục lợi cá nhân gây thất thoát hàng tỷ đồng ngân sách nhà nước.