Đề xuất trên đưa ra nhằm không để các đối tượng sử dụng bộ hồ sơ mua hàng tịch thu hóa giá của Nhà nước và hóa đơn mua đường cát của các nhà máy, công ty sản xuất, kinh doanh đường cát để hợp thức hóa đường nhập lậu.
Trong ảnh: Lực lượng chức năng kiểm tra tang vật bị bắt giữ. Ảnh: TTXVN phát. |
Về kiến nghị này, Phó Thủ tướng Thường trực- Trưởng Ban chỉ đạo 9 Quốc gia Trương Hòa Bình giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 9 tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, xử lý cụ thể theo quy định.
Ngoài ra, tỉnh An Giang còn kiến nghị hiện nay, tình hình phương tiện để phục vụ công tác chống buôn lậu của các lực lượng chức năng còn thiếu, trong khi nguồn phương tiện là tang vật vi phạm bị tịch thu có nhiều. Tuy nhiên, việc quyết định chuyển giao cho các đơn vị sử dụng phải thực hiện theo quy định tại Nghị định 29/2014/NĐ-CP. Trong khi đó, các lực lượng chống buôn lậu tại địa phương như: hải quan, công an, bộ đội biên phòng… đều là lực lượng ngành dọc thuộc cơ quan Trung ương quản lý nên việc xin chuyển giao tài sản cho sử dụng phải trình về Bộ Tài chính xem xét quyết định.
Vì vậy, tỉnh An Giang đề nghị nên giao quyền cho Ủy ban Nhân dân tỉnh được quyết định chuyển giao tài sản bị tịch thu của các đơn vị ngành dọc thuộc cơ quan Trung ương quản lý như: hải quan, công an, bộ đội biên phòng được sử dụng phục vụ công tác chống buôn lậu; cần trang bị phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm buôn lậu phù hợp với các địa phương có đặc thù sông nước, biên giới
Về thực hiện lại cơ chế tái xuất mặt hàng thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp chung đề nghị của tỉnh, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2017.
Cũng theo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 20/2016/QĐ-TTg ngày 11/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thanh toán chi phí quản lý, xử lý tài sản tịch thu theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Về đề nghị giảm mức cơ sở từ 100 xuống 20 đơn vị sản phẩm đối với mặt hàng rượu nhập lậu bị tịch thu trong một vụ vi phạm buộc phải tiêu hủy, để phù hợp với thực tế (Điều 5 của Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC), Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Tài chính chỉ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong quý II năm 2017.
Theo báo cáo của tỉnh An Giang, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả trên địa bàn vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều vị trí đường mòn, lối mở chưa được kiểm soát chặt chẽ, tình trạng buôn lậu các mặt hàng như: Đường cát, thuốc lá, phân bón… có dấu hiệu tăng. Tuyến, địa bàn trọng điểm buôn lậu là phường Vĩnh Ngươn, thành phố Châu Đốc; thị trấn Long Bình, xã Khánh An, huyện An Phú; thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên.
Dự báo năm 2017, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng diễn biến phức tạp, thủ đoạn hoạt động tinh vi, dễ dàng thâm nhập vào thị trường ở khắp mọi nơi, ở tất cả các chủng loại hàng hóa, nguy cơ đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Trong đó, dự báo các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm, mỹ phẩm, đường cát… tiếp tục là những nhóm mặt hàng có nguy cơ xảy ra tình trạng giả, kém chất lượng cao trên địa bàn.