Một số trạm xăng dầu dù biết Nghị định đã có hiệu lực nhưng chưa thực sự nắm rõ được nhiệm vụ của mình cần phải làm gì. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trạm trưởng trạm xăng dầu số 8 (số 125 Nguyễn Phong Sắc - Cầu Giấy) cho biết: “Về việc cấm sử dụng điện thoại, trạm chúng tôi đã thực hiện từ rất lâu. Nhưng về hình thức xử phạt thì tôi cũng chưa thực sự hiểu rõ. Chúng tôi chỉ có thể nhắc nhở người dân không sử dụng điện thoại tại cửa hàng vì sẽ gây nhiễu sóng điện từ rất dễ dẫn đến cháy nổ, chứ không có thẩm quyền xử phạt”.
Khảo sát ngay trong ngày 6/8 tại hàng loạt cây xăng, người dân vẫn sử dụng điện thoại như chưa biết đến lệnh cấm. Mặc dù Nghị định đã có hiệu lực nhưng vẫn có rất nhiều người dân chưa được tiếp cận thông tin này.
Chị Thanh Mai (phường Nguyễn Du, Hà Nội) ngạc nhiên: “Trước tôi vẫn thường xuyên sử dụng điện thoại tại các trạm xăng, giờ mới biết không được phép từ ngày 5/8. Xử phạt 2-5 triệu lúc này e rằng hơi nóng vội, bởi lẽ sẽ còn có nhiều người chưa biết đến quy định này nên có thể vô tình phạm luật. Trước mắt, các trạm xăng cần có những biển báo khuyến cáo, nhắc nhở người mua xăng nên tự giác tắt điện thoại để dần dần tạo thói quen mới”.
Chị Nguyễn Hương Nhung (nhân viên kế toán) nói: “Bình thường theo phản xạ tự nhiên, mỗi khi có điện thoại là tôi sẽ mở ra xem. Nên đôi khi bản thân mình cũng không ý thức được việc này là vi phạm. Với mức xử phạt cao như thế tôi nghĩ nó sẽ khiến cho người dân không chấp nhận”.
Đối với lực lượng chức năng, việc xử lí vi phạm tại các cây xăng không dễ. Đại úy Phạm Đình Hải – Phó trưởng Công an phường Bách Khoa – địa bàn đang quản lý cây xăng trên phố Tạ Quang Bửu cho biết: “Hiện tại, đơn vị vẫn chưa nhận được văn bản nào hướng dẫn về việc xử phạt, cũng không biết thẩm quyền được giao đến đâu. Trước hết cần phải tuyên truyền, phổ biến tới các khu dân cư để người dân hiểu về nguy cơ của việc sử dụng điện thoại tại các trạm xăng để họ tự giác thực hiện, biện pháp xử phạt chỉ là sau cùng. Cả đơn vị có 24 cán bộ, chiến sĩ, cũng không thể bố trí người túc trực tại các cây xăng để phát hiện vi phạm”.
Sóng điện thoại có thể gây nguy cơ cháy nổ tại các trạm xăng
TS Huỳnh Quyền – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu (Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh) cho biết: Hiện nay, trên thế giới, trong tất cả các cơ sở nhà máy lọc hóa dầu đều thực hiện cấm sử dụng điện thoại di động để đề phòng nguy cơ cháy nổ. Khi có sóng điện thoại, nguồn nhiệt phát sinh từ điện thoại rất lớn, có thể gây chập mạch dẫn đến phát sinh tia lửa điện. Khi đó, tại các vòi bơm xăng nếu có rò rỉ sẽ rất dễ gây ra nguy cơ cháy nổ. Hiện nay, mặc dù trên thế giới chưa có kết luận cuối cùng về việc sóng điện thoại có khả năng gây cháy nổ tại các trạm xăng hay không, cũng như thực tế ở Việt Nam có rất ít các vụ cháy nổ do sóng điện thoại gây ra, song để đảm bảo tính mạng cho người dân thì không thể chủ quan.
Sử dụng điện thoại trong bán kính bao nhiêu thì gây nguy hiểm tại các trạm xăng? TS Quyền khẳng định: “Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có khảo sát để đưa ra con số chính xác về khoảng cách an toàn giữa vị trí cây xăng với người sử dụng điện thoại. Các con số 3m, 5m chỉ là các con số ước lượng. Muốn tìm ra bán kính an toàn thì phải khảo sát kỹ nồng độ xăng dầu bốc hơi trong không khí ở từng cây xăng”.
Theo các nhà khoa học, việc lắp đặt các công cụ phá sóng điện thoại tại các cây xăng là điều rất khó bởi lẽ ở Việt Nam, rất nhiều trạm xăng được bố trí không hợp lý. Rất nhiều trạm được xây dựng tại các khu đông dân cư, gần đường giao thông, gần chợ… Trong khi đó, nếu có xảy ra sự cố cháy nổ, bán kính sát thương sẽ rất lớn. Về mặt kỹ thuật, có thể tiến hành phá sóng điện thoại nhưng vì cây xăng không nằm biệt lập nên sẽ dẫn tới khóa sóng của cả khu vực gần đó, ảnh hưởng rất nhiều tới nhu cầu thông tin liên lạc của người dân xung quanh.
Hiện nay, Đà Nẵng đang đi đầu trong việc di dời các cây xăng ra khỏi trung tâm thành phố.
Anh Quốc Trung (Hoàng Mai, Hà Nội) thì bày tỏ: “Cấm sử dụng điện thoại tại các cây xăng là đúng nhưng Nghị định còn nhiều điểm chưa rõ nên có thể làm khó cho dân. Ví dụ, nếu để điện thoại trong cốp xe vào đổ xăng, vô tình có cuộc gọi đến, tức là đã có sóng điện thoại rồi, khi đó kể cả không nghe máy có bị xử phạt không? Hay đang đi trên đường, tới gần vị trí có cây xăng mà có điện thoại, dừng lại nghe thì có phạm luật không? Không lẽ, để cho chắc, cần tắt điện thoại trước khi vào trạm xăng?”. |
Theo cand.com.vn