Kích hoạt cơ chế phản vệ trước ma túy - Bài 1: Nhiều nguyên nhân khách quan

Nói về tác hại của ma túy, ông Buotros Gali khi còn là Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã từng khẳng định: “Tình trạng nghiện ma túy đã trở thành hiểm họa lớn của toàn nhân loại".

"Không một quốc gia, dân tộc nào thoát ra ngoài vùng xoáy khủng khiếp của nó. Ma túy đang làm gia tăng tội phạm, bạo lực, tham nhũng, vắt cạn kiệt nhân lực, tài chính, hủy diệt những tiềm năng quý báu mà lẽ ra phải được huy động cho phát triển kinh tế - xã hội, đem lại ấm no, hạnh phúc cho mọi người. Ma túy đang làm suy thoái nhân cách, phẩm giá, tàn phá cuộc sống yên vui của gia đình, gây xói mòn đạo lý, kinh tế - xã hội…”.

Vậy làm sao để chống chọi, giảm thiểu đến mức thấp nhất hậu quả do ma túy gây ra, nhất là đối với những người trẻ?. 

Chú thích ảnh
Các học viên cai nghiện tại Trung tâm chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh Bình Phước tham gia lớp đọc sách. Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN

Bài 1: Nguyên nhân khách quan

Một con người cụ thể sa chân vào vũng bùn ma túy phải có các yếu tố xã hội và yếu tố “tự thân” kết hợp lại với nhau. Như vậy là có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân nội tại.

Các yếu tố gia đình - xã hội

Theo công trình nghiên cứu của Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (Thành phố Hồ Chí Minh), hiện nay, chúng ta đang phải sống trong một môi trường xã hội bị ô nhiễm chất gây nghiện: các ổ nhóm và tụ điểm tiêm chích vẫn con tồn tại ở nhiều nơi, người nghiện vẫn có thể tìm mua chất gây nghiện tương đối dễ dàng.

Tình trạng này có nhiều nguyên nhân. Cơ chế thị trường và sự tăng trưởng kinh tế nhanh đã kéo theo nhiều biến đổi xã hội cả tích cực lẫn tiêu cực. Sự phân hóa giàu nghèo đang diễn ra khá nhanh, tốc độ đô thị hóa cũng gia tăng nhanh chóng. Trình độ nhận thức của một bộ phận xã hội không theo kịp sự phát triển kinh tế, sự thay đổi của xã hội làm không ít người, không ít gia đình đã bị mất phương hướng, lâm vào khủng hoảng. Một số bậc cha mẹ ít quan tâm đến việc giáo dục con cái hoặc bản thân họ cũng nghiện ngập.

Mặt khác, các chuẩn mực đạo đức xã hội cũng ít nhiều bị biến đổi, xói mòn. Một nguyên nhân xã hội nữa là việc tôn trọng và thực thi pháp luật chưa được nghiêm túc. Tội phạm liên quan tới chất gây nghiện không ngừng tấn công vào các tầng lớp thanh, thiếu niên. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, chính quyền và các cơ quan chức năng chưa huy động được sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến chống chất gây nghiện.

Hiện nay, môi trường học đường từ tiểu học đến đại học đã và đang bị ma túy xâm nhập. Sức ép trong học tập cũng được coi như những stress quá lớn đối với một bộ phận học sinh không theo kịp, gây ra cảm xúc chán nản, muốn bỏ học, dễ sa vào việc nghiện ngập mà túy và các tệ nạn khác.

Bạn bè cũng là yếu tố quan trọng liên quan đến việc sử dụng ma túy. Nghiên cứu của Học viện Quốc gia về lạm dụng ma túy (NIDA) ở Mỹ cho thấy, số thanh, thiếu niên sử dụng ma túy giảm rõ rệt nếu trong môi trường của họ có phong trào mạnh mẽ bài xích, phê phán việc sử dụng ma túy. Ngược lại, việc bạn bè sử dụng ma túy dễ dẫn đến tình trạng các bạn trẻ bị “lây nhiễm”. Ảnh hưởng của bạn bè chủ yếu là do bắt chước, lòng tự ái bị kích động do bị khiêu khích.

Việc sử dụng các chất ma túy và sự buông thả của thanh thiếu niên có tác động lẫn nhau -một người nghiện ma túy có khuynh hướng kết bạn với các “đồng nghiện”, tình trạng sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Những người trẻ tuổi nếu thường xuyên hoạt động nhóm nhưng không được giám sát và không có định hướng theo một mục đích tích cực sẽ thường sử dụng rượu, ma túy nhiều hơn.

Dễ sa, khó bỏ

Khi cơ thể của con người hoạt động bình thường, dưới vỏ não, chất morphin nội sinh - endorphin – được sinh ra có tác dụng giảm đau đớn, mệt mỏi, phục hồi sức khỏe. Đó là cơ chế tự điều chỉnh rất tự nhiên và tinh vi của cơ thể con người.

Theo cuốn Nghiện heroin và các phương pháp điều trị (Nhà xuất bản Y học), trong cơ thể người nghiện, chất ma túy đi vào từng tế bào thần kinh, làm giảm đau đớn, mệt mỏi, kích thích hoạt động nhanh nhạy của thần kinh làm cho người dùng cảm thấy hết đau, có ảo giác “sảng khoái”, “bay bổng”…

Nếu dùng ma túy một vài lần đầu, cơ thể sẽ bị rối loạn hoạt động sản xuất morphin nội sinh. Nếu việc sử dụng ma túy được lặp đi lặp lại, cơ thể sẽ ngừng sản xuất morphin nội sinh và người nghiện hoàn toàn phụ thuộc vào chất ma túy từ bên ngoài đưa vào cơ thể, hình thành phản xạ có điều kiện.

Sự thèm khát chất kích thích của người nghiện rất mãnh liệt và lâu dài. Cho dù người bệnh có thể được chạy chữa rất dày công và tốn kém, nhưng bản năng thèm thuốc vẫn có thể trỗi dậy ngay lập tức khi đối tượng nhìn thấy thuốc vì thông tin đã mã hóa trong não bộ chưa hề được xóa bỏ.

Việc sử dụng chất kích thích đã bắt vỏ não sản sinh ra một hợp chất hóa học và protein mới để mã hóa thông tin và lưu giữ trong tiềm thức những hình ảnh màu ba chiều của đủ âm thanh, mùi vị, tri giác, cộng thêm những suy nghĩ và kết luận riêng của người nghiện về một loại ma túy xác lập ở khu vực mới thành lập trong não. Những tác động trên não bộ gây ra những tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn làm người nghiện suy giảm khả năng suy đoán, xử lý thông tin, khả năng tự chủ, lệ thuộc vào cảm giác khoái cảm ngất ngây, bị kích động mạnh mẽ khi nghĩ đến hoặc sử dụng ma túy.

Từ khám phá này, các nhà khoa học đã rút ra kết luận: các biện pháp chữa trị từ trước tới nay chỉ có khả năng chữa ngọn, chưa trị tận gốc vì chỉ giúp người nghiện quên thuốc, chưa đánh gục được bản năng thèm thuốc.

Dưới tác động của nhiều yếu tố khách quan (thất nghiệp, bạn bè xấu lôi kéo, xã hội và gia đình khinh rẻ...), đa số người nghiện lại tái nghiện. Về mặt hành vi, người nghiện có cách xử sự và những thói quen xấu. Những hành vi đó ngăn cách người nghiện với cộng đồng, làm họ mất đi lòng tự trọng và tinh thần trách nhiệm. Hầu hết, người nghiện không cần hoặc không còn khả năng nhận biết những hậu quả do hành vi mình gây nên. Dần dần, họ không còn nghị lực cũng như nhận thức để sống một cách trong sạch và lành mạnh.

Người nghiện tăng

Theo Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), trong vòng 10 năm (từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2020), số người nghiện có hồ sơ quản lý ở Việt Nam đã tăng lên 60%. Tính đến đầu năm ngoái, cả nước có hơn 235.000 người nghiện (trên thực tế, con số này cao hơn nhiều vì có không ít người nghiện chưa được quản lý). Số người nghiện ma túy trong độ tuổi 12-18 đang tăng.

Số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến tháng 5/2020, cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập và 16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập và được cấp giấy phép hoạt động. Tổng số học viên đang được cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện công lập là 34.982 người, tăng khoảng 10.000 người so với năm trước.

Các vụ việc liên quan tới đối tượng sử dụng ma túy trái phép như: trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, tự sát, giết người... gia tăng về cả số vụ và tính chất nghiêm trọng. Điều này gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống của người dân ở nhiều khu vực và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ở quy mô toàn cầu, theo Tiến sỹ Nguyễn Cửu Đức, Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ), hiện nay, trên thế giới có đến 271 triệu người sử dụng ma túy, tăng 30% trong vòng 10 năm. Đáng lưu ý là 50% số người sử dụng ma túy trên toàn cầu nằm ở khu vực Đông Nam Á. Bởi vậy, Việt Nam chịu tác động rất lớn bởi tình hình ma túy trong khu vực và trên thế giới.

Bài 2: Yếu tố “nội tâm” 

Trần Quang Vinh (TTXVN)
Băn khoăn người nghiện ma túy là 'tội phạm' hay 'người bệnh'
Băn khoăn người nghiện ma túy là 'tội phạm' hay 'người bệnh'

Tiếp tục Kỳ họp thứ 10, sáng 13/11, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN