Nhằm quản lý tài nguyên trên địa bàn, tỉnh nâng cao chất lượng, tính hiệu lực hiệu quả của kế hoạch sử dụng đất hàng năm, gắn kế hoạch sử dụng đất với thực hiện phương án phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch tỉnh để quản lý đồng bộ.
Hậu Giang tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tại địa phương được cụ thể trong Nghị quyết và chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với Luật Đất đai (sửa đổi) cũng như hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi đất đai phù hợp đặc điểm sản xuất quy mô của tỉnh, đáp ứng cơ bản nhu cầu, mục đích sử dụng đất trước sự biến đổi nhanh chóng, khó lường của thiên nhiên.
Tỉnh thực hiện hiệu quả chương trình, kế hoạch trong triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Cùng với đó là đảm bảo theo dõi, cập nhật thông tin quản lý đất đai tại địa phương như điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai; xác định cụ thể diện tích, ranh giới đất trồng lúa ngoài thực địa, lập bản đồ đất trồng lúa; theo dõi thực hiện các chỉ số phản ánh việc sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả, việc khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sử dụng đất.
Tỉnh tăng cường quản lý, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt, nước ngầm trên địa bàn; nâng cao nhận thức cộng đồng về pháp luật tài nguyên nước. Hậu Giang xây dựng và theo dõi, đánh giá việc thực hiện mô hình tiết kiệm nước trong nông nghiệp, thủy lợi, cơ sở sản xuất công nghiệp.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới, củng cố hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường theo hướng hiện đại, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đề ra; tăng cường năng lực tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật, nhất là ở cấp cơ sở.
Thời gian qua, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp trên địa bàn tỉnh được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất của từng ngành, từng cấp, là cơ sở triển khai việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất thực hiện công trình, dự án trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Kết quả điều tra địa chất - khoáng sản cho thấy, Hậu Giang có 3 loại khoáng sản gồm sét gạch ngói, than bùn và cát san lấp. Cụ thể sét gạch ngói tại 5 vùng nguyên liệu có diện tích hơn 1.800 ha, trữ lượng hơn 22 triệu m3; than bùn tại 6 vùng nguyên liệu có diện tích gần 1.000 ha, trữ lượng hơn 3,2 triệu tấn; cát san lấp ở lòng sông Hậu giáp ranh giới với tỉnh Vĩnh Long, diện tích khoảng 400 ha, chiều dày cát trung bình 1m, ước tính khoảng 4 triệu m3.
Đến nay, tỉnh hoàn thành lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản; khoanh định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản, khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xây dựng bản đồ địa chất khoáng sản tỉnh Hậu Giang tỷ lệ 1:100.000. Các nguồn tài nguyên nước, khoáng sản của tỉnh được đánh giá trữ lượng kịp thời và quản lý theo quy hoạch được duyệt, đẩy mạnh khai thác nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo.