Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất; huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự. Các đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình phát sinh và kết quả giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tranh chấp đất đai.
Các tổ hòa giải cơ sở nâng cao hiệu quả trong việc tham gia giải quyết các tranh chấp trong nội bộ quần chúng hoặc hướng dẫn người dân giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp về dân sự, kinh tế theo đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng phức tạp tại địa phương.
Trước đó, tại thôn Tân Hiệp, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đã xuất hiện một nhóm đối tượng lợi dụng chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, thường xuyên lấy danh nghĩa người dân tộc thiểu số để đòi lại đất cũ. Nhóm người này còn xâm chiếm đất đai, tài sản, xây dựng nhà ở trái phép; đe dọa, ngăn cản người dân sử dụng đất hợp pháp. Nhóm đối tượng trú tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà thường xuyên xâm lấn, ngăn cản người dân tại thôn Tân Hiệp, xã Tân Văn sử dụng đất đã được Nhà nước giao quyền sử dụng hợp pháp.
Theo lãnh đạo UBND huyện Lâm Hà, bản chất của vụ việc là từ 40 - 50 năm về trước, người dân tộc thiểu số địa phương có thói quen du canh, du cư, canh tác nương luân canh, mỗi đám rẫy thường chỉ làm 1- 2 vụ rồi chuyển đi nơi khác làm. Vì vậy, mỗi hộ có rất nhiều rẫy trên một địa bàn. Sau khi Nhà nước tổ chức định canh, định cư cho đồng bào địa phương, các đám rẫy này được Nhà nước thu hồi quản lý, sau đó giao quyền sử dụng đất cho một số hộ dân khác thuộc diện tái định cư các chương trình, dự án. Gần đây, do giá đất sản xuất, đất ở tăng cao, một số hộ quay lại lấn chiếm, đòi lại diện tích đất có lịch sử là nương luân canh trước đây, dựng chòi trên đó và đe dọa các hộ đang sử dụng hợp pháp, đòi bồi thường…