Tình trạng trên trở nên phức tạp, chính quyền thành phố Kon Tum xem là “vấn nạn” nhưng dường như “bất lực” khi chưa có giải pháp hiệu quả ngăn chặn.
“Đại công trường” thôn Thanh Trung
Thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum được xem là “đại công trường” của “đất tặc”. Hàng chục hecta đất nằm trong dự án quy hoạch cụm công nghiệp Thanh Trung bị khai thác nham nhở. Nhiều quả đồi to, cao bị san phẳng, đất đã được vận chuyển đi nơi khác. Tuyến đường dẫn vào khu vực bị khai thác hằn rõ những vệt bánh xe tải cỡ lớn. Hàng cây hai bên đường bị bụi phủ một lớp trắng xóa.
Nhiều khu vực, “đất tặc” ăn sâu cả vườn cây cao su, cà phê của người dân. Theo quan sát của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, địa điểm có đất sét đẹp, phù hợp với sản xuất gạch nung đều bị khai thác, đào xới thành những hố sâu. Việc khai thác đất sét rất quy mô với sự tham gia của các phương tiện lớn như: máy xúc, xe tải và đã được khai thác trong thời gian dài.
Theo những người dân sống gần đó, khu vực trên là của một nhóm khoảng 3-4 người khai thác để lấy đất bán cho các cơ sở sản xuất gạch nung trên địa bàn thành phố Kon Tum. Nhóm người này dữ tợn, trên người xăm trổ và hung hãn khi có người lạ quay phim, chụp hình khu vực khai thác.
“Mấy ngày nay họ khai thác ban đêm và ngày nghỉ để tránh sự phát giác. Những người dân ở đây không dám đứng ra tố cáo vì sợ bị trả thù. Ngay như nhà báo Hoàng Đình Chiểu khi phản ánh tình trạng khai thác đất ở đây cũng bị chúng đến nhà đánh chứ chẳng nói đến người dân như chúng tôi”- một người dân bức xúc.
Tình trạng khai thác đất sét tại khu vực trên lại tiếp diễn sau nhiều ngày nghỉ Tết, tối 11/2, một nhóm đối tượng tiếp tục đưa phương tiện vào khu vực thôn Thanh Trung khai thác đất trái phép và bị lực lượng chức năng phát hiện. Tại hiện trường, chiếc máy đào đang hoạt động vội tắt máy, người điều khiển vẫn ngồi trong cabin, chiếc xe tải mới đang trên đường quay trở vào nên không chở theo đất.
Ông Võ Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum - người trực tiếp có mặt ở hiện trường cho biết: “Khi chúng tôi vừa đến, 4 người đàn ông xăm trổ, cổ đeo dây chuyền to như ngón tay sấn tới. Rất may là bình tĩnh xử lý nên 4 người cũng không có manh động gì. Các phương tiện định quay đầu bỏ chạy nhưng Đoàn công tác đã kịp quay lại biển số và đang nhờ lực lượng công an xác định chủ phương tiện. Sau khi lập biên bản sự việc, đoàn công tác bàn giao lại tang vật cho UBND phường Ngô Mây tạm giữ để chờ giải quyết".
Đáng chú ý, khu vực nhóm “đất tặc” khai thác trái phép cũng là khu vực nhà báo Hoàng Đình Chiểu, phóng viên Đài truyền hình Việt Nam (VTV) từng phát hiện khai thác đất trái phép. Tối 26/1, nhà báo Hoàng Đình Chiểu điện báo cho lãnh đạo UBND phường Ngô Mây và cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đề nghị xử lý. Chỉ sau ít giờ báo tin, ông Chiểu bị 2 đối tượng đến nhà gây hấn.
Sáng 27/1, khi cùng người nhà đi ăn sáng, ông Chiểu tiếp tục bị 2 đối tượng hành hung dã man gây thương tích 7%. Công an thành phố Kon Tum đã xác định đối tượng gây án là Đỗ Quốc Doãn, 31 tuổi, trú tại xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum. Doãn khai nhận do lo sợ ông Chiểu tìm hiểu, viết bài về diện tích đối tượng này đang khai thác nhưng chưa được cấp phép nên đã ra tay hành hung.
Chính quyền "bất lực"
Tình trạng “đất tặc” xuất hiện tại khu vực thôn Thanh Trung diễn ra nhiều năm nay, theo ông Nguyễn Xuân Ninh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum, tình trạng khai thác đất sét trái phép đã trở thành “vấn nạn” của thành phố.
“Đây thực sự là một vấn nạn của thành phố. Tài nguyên khoáng sản thì mình quản lý về mặt Nhà nước, nhưng bên cạnh đó là một lò gạch như vậy là 5-6 lao động, kế sinh nhai của cả gia đình nhà người ta. Hiện nay thành phố có 310 lò thủ công (cả tỉnh Kon Tum có 312 lò). Để chấm dứt sản xuất gạch thủ công, chuyển từ công nghệ nung thủ công sang công nghệ khác như gạch không nung… các tỉnh khác hỗ trợ 10- 15 triệu chẳng hạn. Nhưng hiện nay mình chưa có chính sách hỗ trợ để chuyển đổi nên rất khó để ngăn chặn tình trạng khai thác đất sét này. Dù chính quyền thành phố đã chỉ đạo rất nhiều, xử lý rất nhiều về mặt cán bộ, tăng cường kiểm tra xử lý về mặt pháp luật”, ông Nguyễn Xuân Ninh cho biết.
Liên quan đến khu vực khai thác đất sét tại thôn Thanh Trung, tại thời điểm hiện nay có 34 cơ sở với tổng số 65 lò thủ công đang hoạt động. "Hiện chỉ có một đơn vị được cấp phép thăm dò là công ty Hoàng Nghĩa chứ chưa có đơn vị nào được cấp phép khai thác. Nếu có khai thác trên khu vực đấy thì chắc chắn là trái quy định", ông Nguyễn Xuân Ninh khẳng định.
“Bắt đầu từ năm 2019, đối với các lò nằm trong cụm công nghiệp Thanh Trung, Hòa Bình sẽ xây dựng lộ trình chấp dứt hoạt động nung thủ công”- đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Ninh. Hy vọng với lộ trình đã được vạch ra sẵn của chính quyền thành phố Kon Tum, tình trạng khai thác đất sét dai dẳng trong nhiều năm qua sẽ được xử lý, an ninh chính trị khu vực Thanh Trung được bình yên.