Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng kiểm tra hiện trường vụ phá rừng ở huyện An Lão. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN |
Theo đó, Chi cục Kiểm lâm Bình Định đã quyết định kỷ luật khiển trách đối với ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão.
Hai trường hợp nhận quyết định kỷ luật cảnh cáo là Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão Phạm Phương Bắc và Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn Nguyễn Hồng Tấn.
Bên cạnh đó, 4 trường hợp nhận kỷ luật khiển trách gồm: Võ Đức Thắng, Nguyễn Hữu Độ, Trần Văn Liên (nhân viên kiểm lâm Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn) và Nguyễn Trọng Tài, Kiểm lâm viên địa bàn xã An Hưng.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã tạm đình chỉ công tác đối với Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão Đinh Văn Hòa và Kiểm lâm viên địa bàn xã An Hưng Huỳnh Văn Tuấn để phục vụ công tác điều tra.
Như tin đã đưa, vụ phá rừng quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại tỉnh Bình Định gây bức xúc trong dư luận. Các đối tượng phá rừng đã sử dụng phương tiện cơ giới, mở đường vào khu vực rừng tại khoảnh 7, khoảnh 8, tiểu khu 1, thuộc địa bàn xã An Hưng, huyện An Lão để phá rừng tự nhiên lấy đất trồng rừng kinh tế. 60,9 ha rừng đã bị tàn phá hoàn toàn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo tỉnh Bình Định phải điều tra nghiêm túc, báo cáo kết quả cho Thủ tướng trước ngày 30/10.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kiểm tra hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cách chức ngay Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão.
Công an tỉnh Bình Định kiểm tra hiện trường vụ phá rừng tự nhiên. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN |
Mức độ của vụ phá rừng này rất nghiêm trọng, người đứng đầu lực lượng bảo vệ rừng của địa phương chỉ bị hình thức kỷ luật “khiển trách” khiến dư luận bất bình. Lý giải cho việc này, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão Đoàn Văn Tá đi học kiểm lâm viên chính từ ngày 7 - 17/8/2017. Các báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đều nêu rằng thời gian phá rừng của các đối tượng từ ngày 4 - 31/8.
Trên thực tế, các đối tượng thực hiện phá rừng từ tháng 6/2017 đến đầu tháng 9/2017. Theo kết quả giám định Trung tâm Quy hoạch nông - lâm nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định), trữ lượng gỗ bị lấy đi từ khu vực rừng bị phá lên tới 5.000 m3.
Tuy nhiên, các lực lượng chức năng chỉ tìm thấy gần 27 m3 và 28 ster gỗ (mỗi ster gỗ bằng 0,7 m3 gỗ) tang vật tại Nhà máy Chế biến dăm gỗ Tường Sơn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn (Bình Định), địa phương giáp ranh với vùng rừng bị phá. Nhà máy này là đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh tổng hợp Thương Thảo (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Số lượng gỗ còn lại đã … mất tích. Dư luận cho rằng, nếu theo báo cáo, vụ phá rừng này diễn ra chỉ trong tháng 8, trong một thời gian ngắn, các đối tượng phá rừng không thể “tẩu tán” hết lượng gỗ lớn như vậy.
Trong quá trình điều tra vụ án, ngày 20/9, Công an tỉnh Bình Định đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng hai đối tượng: Phan Dễ (sinh năm 1960, trú xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn ) và Nguyễn Văn Ri (trú xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn). Các đối tượng này bị khởi tố về hành vi “hủy hoại rừng” theo Điều 189 Bộ luật Hình sự. Các đối tượng này đã khai nhận thực hiện phá rừng từ tháng 6/2017.
Vụ án đang được Công an tỉnh Bình Định tiếp tục điều tra.