Tại 4 bãi vàng trái phép ở xã Noong Hẻo, xã Nậm Cuổi thuộc huyện Sìn Hồ và xã Vàng San, khu vực Nậm Kha Á (giáp ranh 3 xã Tà Tổng, Nậm Khao, Mù Cả) thuộc huyện Mường Tè có khoảng 30 hầm vàng với kích thước khác nhau. Để đánh sập các hầm vàng này, tỉnh Lai Châu đã huy động hơn 400 người. Lực lượng này phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ, rất khó khăn mới vào tới khu vực khai thác vàng trái phép nhằm kiểm tra, khảo sát thực địa và vận chuyển vật liệu để thực hiện nổ.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại bãi vàng Nậm Kha Á, có hơn 150 người gồm các lực lượng công an, quân đội, biên phòng, dân quân tự vệ và lực lượng của các sở, ban ngành liên quan, chính quyền địa phương đã tổ chức vận chuyển đưa vật liệu nổ vào để phá, bịt cửa hang của khoảng 20 hầm vàng nhằm đánh sập toàn bộ bãi vàng trái phép này. Để bảo đảm quá trình nổ diễn ra an toàn và hiệu quả, Đại tá Phạm Hải Đăng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cùng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và lãnh đạo huyện Mường Tè đã kiểm tra, khảo sát các hầm vàng để bố trí vật liệu nổ cho phù hợp.
Do bãi vàng Nậm Kha Á ở trong rừng sâu, có nhiều hầm vàng, xác định phải rất khó khăn và mất nhiều thời gian mới có thể tiếp cận, nên các cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, bộ đội biên phòng đã phải ăn, ngủ qua đêm tại rừng.
Người dân đi làm nương chứng kiến các lực lượng chức năng đang vào bãi vàng Nậm Kha Á để nổ mìn đánh sập các hầm nhằm chấm dứt nạn khai thác vàng trái phép thì rất phấn khởi. Anh Giàng A Chu (46 tuổi, dân tộc Mông ở bản Tà Tổng, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè) cho biết: “Người lạ đưa máy móc về đây rất đông để khai thác vàng trái phép đã ảnh hưởng tới việc làm nương và nguồn nước, phá rừng của bà con. Chính quyền giải tỏa bãi vàng trái phép này, người dân rất vui.”
Phóng viên cũng có mặt và ghi nhận tại bãi vàng trái phép ở bản Nậm Suổng, xã Vàng San thuộc huyện Mường Tè, có 150 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội và lực lượng các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương tổ chức vận chuyển đưa vật liệu nổ để phá, bịt cửa hang hầm vàng. Lực lượng công binh khẩn trương triển khai nghiệp vụ và đến 17 giờ 30 phút ngày 28/9 đã cho nổ bịt cửa hầm sâu gần 200m.
Quá trình vận chuyển vật liệu nổ vào hầm vàng, các lực lượng tỉnh Lai Châu đã tuân thủ đúng nguyên tắc kỹ thuật, bảo đảm an toàn về người và trang bị. Tại các khu vực giải tỏa, công tác bảo đảm an ninh, trật tự được lực lượng công an, biên phòng thực hiện nghiêm ngặt. Dự kiến quá trình thực hiện đánh sập các hầm vàng sẽ diễn ra đến hết ngày 5/10.
Trước đó, tình trạng khai thác vàng trái phép xảy ra tại hai huyện Sìn Hồ và huyện Mường Tè có những diễn biến phức tạp. Phóng viên TTXVN cũng đã có loạt bài: "Vàng tặc" lộng hành tàn phá những cánh rừng ở Lai Châu, phản ánh về trạng khai thác vàng trái phép ở địa bàn huyện biên giới Mường Tè diễn ra hàng chục năm nay đã tàn phá những cánh rừng phòng hộ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân cũng như ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại đất sản xuất.
Người dân ở nơi khác thường xuyên tập trung về các bãi vàng để khai thác trái phép với nhiều hình thức như: thủ công, sử dụng máy móc, đào hầm, lò, dùng hóa chất để ủ hóa vàng... Những hành vi trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn lao động và gây ô nhiễm môi trường. Do đó, các bãi vàng trái phép này cần được giải tỏa, đưa vào quản lý, bảo vệ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, sinh hoạt sản xuất của nhân dân.
Ngày 16/9, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định phê duyệt phương án giải tỏa khu vực các bãi vàng khai thác trái phép trên địa bàn hai huyện Sìn Hồ và huyện Mường Tè. Trong đó, tỉnh Lai Châu sẽ sử dụng lượng nổ tập trung phá, bịt từ trong hang ra ngoài, chiều dài bằng 1/3 - 1/2 của hang. Mỗi hang sử dụng từ 5-10 lượng nổ tập trung, mỗi lượng từ 10kg - 15kg.
Phương pháp gây nổ là đồng loạt, điều khiển gây nổ bằng nguồn điện. Đối với các hầm khai thác theo kiểu đào giếng sẽ đào 3 hố xung quanh miệng giếng, hố rộng 30cm - 40cm, sâu 2m nhồi thuốc nổ gây nổ đồng loạt bằng điện.