Ngày 9/6, phóng viên TTXVN đã đến hiện trường tại thôn 1, xã Đạ Sar, tiểu khu 145A, lâm phần thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim quản lý, địa giới hành chính thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Tại hiện trường, có khoảng gần 100 cây thông hàng chục năm tuổi bị khoan gốc, bơm đổ chất độc. Nhiều cây đã chết hoặc bắt đầu vàng lá.
Đại diện Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cho biết, tại tiểu khu 145A có 2 vị trí cây rừng bị khoan gốc, đổ hóa chất. Vị trí thứ nhất tại ô a, khoảnh 5; vị trí thứ 2 tại lô a, khoảnh 7. Tổng số cây thông bị khoan gốc, đổ hóa chất là 53 cây, thiệt hại hơn 31,2m3 gỗ, diện tích hơn 1.200m2. Các cây thông này có đường kính từ 30 đến 50cm bị khoan gốc, đổ hóa chất đã vàng lá, chết dần. Trên thân cây đã được cơ quan chức năng đánh dấu thứ tự, xác định thiệt hại. Vụ việc này được cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản ngày 25/4/2023.
Trên những gốc cây này đều có những lỗ khoan sâu khoảng 10cm rồi bị bơm đổ thuốc bảo vệ thực vật vào để đầu độc. Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu các đối tượng phá rừng bơm thuốc dạng lưu dẫn thì cây thông sẽ chết dần, có khi vài tháng sau mới chết. Nếu bị khoan gốc, đổ thuốc diệt cỏ thì cây thông sẽ vàng lá và chết trong vài ngày.
Không chỉ có những cây thông đã chết được lực lượng kiểm lâm đánh dấu, phóng viên ghi nhận có rất nhiều cây thông khác mới bị khoan gốc, đổ hóa chất tại lô a, khoảnh 5, tiểu khu 145A. Những cây thông này lá bắt đầu bị vàng, lỗ khoan vẫn còn chảy nhựa và chưa được lực lượng chức năng kiểm tra, đánh dấu. Những cây chưa được đánh số, hóa chất và nhựa thông trào từ lỗ khoan ra tạo ra dung dịch màu xanh. Khu vực nói trên rộng khoảng 3000m2 có địa thế rất đẹp, ngay cạnh con đường có một số các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Khu vực này đã bị phát dọn, đốt cháy thảm thực vật trên bề mặt. Có nhiều ống dẫn nước lớn màu đen nằm trên mặt đất làm dấy lên nghi ngại hoạt động đầu độc số cây thông này nhằm để chiếm đất nông nghiệp hoặc đất ở. Theo những người dân sống trong khu vực thì đất đang có giá cao, có thời điểm lên tới 2- 3 tỷ đồng/1.000m2.
Theo Trạm quản lý bảo vệ vệ rừng Đa Ra Hoa (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim), diện tích rừng bị "đầu độc" trên thuộc diện quy hoạch rừng phòng hộ. Tại thời điểm kiểm tra, đơn vị này không xác định được đối tượng vi phạm.
Ông Đinh Hữu Đạo - Phó trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cho biết, sau khi xảy ra vụ việc, đơn vị này đã phối hợp với lực lượng chức năng liên quan tổ chức tuần tra, mật phục 2 vị trí rừng bị phá trên và các khu vực xung quanh để bảo vệ hiện trường, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm của các đối tượng phá rừng. Tuy nhiên, đến nay Ban Quản lý vẫn chưa xác định được đối tượng vi phạm...