Kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy, tại khu rừng phòng hộ tự nhiên, giáp ranh giữa xã Sỹ Bình và Vũ Muộn (Bạch Thông) có 18 cây gỗ nghiến (nhóm IIA) với khối lượng 59,5m3 mới bị chặt hạ (trong đó, một cây ở xã Vũ Muộn, 17 cây ở xã Sỹ Bình) và 23 cây gỗ nghiến với khối lượng 40,1m3 đã bị chặt hạ từ lâu (trong đó, ba cây ở xã Vũ Muộn, 20 cây ở xã Sỹ Bình). Tổng khối lượng gỗ bị chặt hạ trái phép là 99,6m3. Lực lượng chức năng còn phát hiện thêm hơn 120 thanh gỗ nghiến nằm rải rác ở khe, suối, bìa rừng.
Vụ phá rừng nghiến cổ thụ vừa bị phát hiện được coi là một trong những vụ phá rừng tự nhiên lớn nhất từ trước tới nay tại huyện Bạch Thông. Bốn mươi mốt cây nghiến nhóm 2A được xếp vào loại gỗ quý tại khu vực giáp ranh hai xã Sỹ Bình và Vũ Muộn của huyện Bạch Thông, đã bị "lâm tặc" chặt hạ.
Thủ đoạn không giống với các vụ phá rừng khác, trong vụ việc này, "lâm tặc" không chỉ xẻ gỗ dạng thớt mà còn xẻ thớt dạng thanh dài 2m, rộng từ 10- 20 cm, vuông vức. Mỗi tấm gỗ như thế được các đối tượng đầu nậu thu mua ngay tại xã Vũ Muộn với giá 500.000 đồng, cao hơn nhiều so với gỗ thớt. Gần 100m3 gỗ nghiến bị chặt hạ vừa qua một phần cũng đã được các đối tượng đem bán ra ngoài thị trường.
Thông thường, "lâm tặc" chỉ xẻ gỗ dạng thớt vì việc khai thác là trái pháp luật, lén lút nên hành động phải nhanh, cắt gỗ dạng thớt sẽ tiết kiệm được rất nhiều về thời gian. Tuy nhiên trong vụ việc này, các đối tượng lại xẻ gỗ dạng thanh, điều này cho thấy các đối tượng chủ động về thời gian, hành động ngang nhiên không sợ bị cơ quan chức năng phát hiện.
Vụ phá rừng huyện Bạch Thông là đặc biệt nghiêm trọng không chỉ bởi diện tích rừng bị phá lớn, số gỗ bị đốn hạ thuộc hàng quý hiếm mà còn bởi đối tượng tham gia phá rừng có cả đảng viên. Theo thông tin từ Trưởng Công an huyện Bạch Thông Trịnh Vũ Ngàn, trong số 15 đối tượng bị triệu tập liên quan tới việc phá rừng thì có 3 đảng viên trực tiếp tham gia gồm Trưởng thôn kiêm công an viên, Thôn đội trưởng phụ trách dân quân thôn và con trai ruột của Bí thư Chi bộ thôn.
Chính vì vậy, thông tin về việc phá rừng đã bị giấu nhẹm, không được báo cáo với chính quyền xã, kiểm lâm viên. Người dân trong thôn biết sự việc nhưng lo sợ không dám tố cáo, nên rừng bị tàn phá trong thời gian dài nhưng không được phát hiện.
Trong số 41 cây gỗ nghiến bị chặt hạ có 18 cây mới chặt, còn lại 23 cây đã bị chặt hạ từ lâu. Điều này cho thấy việc khai thác trái phép gỗ nghiến đã diễn ra một thời gian dài, nhưng lực lượng kiểm lâm địa bàn không hay biết.
Lý giải về vấn đề này, ông Triệu Văn Tuệ - cán bộ kiểm lâm phụ trách khu vực xã Sĩ Bình cho biết, khu vực rừng gỗ nghiến bị khai thác nằm ở xa trong khu vực núi đá, đơn vị kiểm lâm mặc dù đã tổ chức tuần rừng định kỳ, nhưng chưa tuần tra tới khu vực này, nên không phát hiện vụ việc. Địa bàn rộng lớn, mỗi cán bộ kiểm lâm huyện Bạch Thông phụ trách hơn 2.000 km3 rừng nên vẫn còn nhiều sai sót - ông Tuệ trần tình.
Theo ông Nguyễn Hữu Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn, để xảy ra phá rừng nhưng không phát hiện ra trước hết là lỗi của kiểm lâm huyện Bạch Thông. Việc phá rừng nằm sâu trong núi đá vôi đường đi khó khăn là một lẽ, việc vận chuyển gỗ công khai bằng ô tô trên đường liên thôn, liên xã ngay gần trạm kiểm lâm xảy ra bấy lâu nhưng kiểm lâm viên cũng không phát hiện ra.
Trong khi đó, ông Hà Ngọc Bảo - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bạch Thông cho hay, việc 23 cây nghiến bị chặt hạ từ lâu nhưng kiểm lâm không biết, thậm chí trong thời gian vài năm, kiểm lâm viên vẫn chưa tuần tra tới khu vực này, rõ ràng trách nhiệm thuộc về kiểm lâm viên trên địa bàn đã chủ quan, lơ là trong thực thi chức trách được giao.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, thời điểm "lâm tặc" chặt phá rừng với số lượng lớn vừa qua trùng với thời điểm hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng giữa chính quyền và người dân đã hết hạn nên toàn bộ diện tích rừng phòng hộ ở đây không được người dân và cộng đồng quản lý, bảo vệ.
Toàn bộ diện tích rừng tại xã Sỹ Bình và Vũ Muộn của huyện Bạch Thông đều thuộc rừng phòng hộ tự nhiên nằm trong khu vực CT229. Đây là diện tích đất quốc phòng, an ninh được bảo vệ nghiêm ngặt. UBND huyện Bạch Thông có trách nhiệm quản lý và giao cho UBND cấp xã trông coi.
Việc hết hợp đồng giao khoán từ tháng 12/2018 thì UBND xã Vũ Muộn có trách nhiệm quản lý, phân công các tổ đội tuần tra kiểm soát rừng phối hợp với người của UBND xã, kiểm lâm viên tuần tra rừng. Tuy nhiên suốt từ tháng 1/2019 tới nay, việc này đã bị bỏ ngỏ dẫn đến "lâm tặc" lộng hành mà không sợ cơ quan chức năng phát hiện.
Trước sự việc xảy ra, lãnh đạo xã Vũ Muộn cũng thừa nhận để xảy ra tình trạng trên một phần do quản lý yếu kém. Theo ông Đinh Quang Cảm - Chủ tịch UBND xã Vũ Muộn, để xảy ra phá rừng trước hết là do địa phương quản lý con người yếu kém, việc tuyên truyền tuy đã làm nhưng do quá tin tưởng lãnh đạo thôn nên để xảy ra tình trạng phá rừng thời gian dài nhưng không hay biết.
Có thể thấy, trách nhiệm của kiểm lâm huyện Bạch Thông, trách nhiệm của UBND xã Vũ Muộn khi để xảy ra việc phá rừng này là rất lớn. Sự việc còn cho thấy việc dựa vào dân đã không được phát huy, những lỗ hổng trong sử dụng cán bộ và sự tha hóa của một bộ phận đảng viên đã đồng lõa cùng "lâm tặc" tàn phá rừng nghiến cổ thụ tại Bắc Kạn.