Ngày 31/7, Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những vấn đề liên quan tới thông tin về việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề.Ông Đỗ Văn Tiêu, Phó Trưởng Công an quận Long Biên cho biết: Những ngày gần đây nghe thông tin dư luận xôn xao, với chức năng quản lý an ninh trên địa bàn nên Công an quận Long Biên đã có trách nhiệm vào cuộc điều tra, mặc dù không có thông tin cụ thể nào được gửi đến cơ quan chức năng.
Phó Trưởng Công an quận Long Biên kiến nghị, để có cơ sở và dễ dàng điều tra xác minh rõ bản chất sự việc thì người dân hoặc là những cơ quan báo chí đã phản ánh sự việc cần cung cấp thông tin, chứng cứ giúp cơ quan điều tra thuận tiện hơn. Công an cũng sẵn sàng thu nhận và đối chất với những tư liệu đã được nêu công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Đại tá Đỗ Văn Tiêu, trong quá trình quản lý về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn quận Long Biên, tư trước đến nay Công an chưa nhận được đơn thư nào của gia đình các cháu hoặc quần chúng nhân dân tố giác về việc buôn bán trẻ em tại chùa Bồ Đề.
Đại diện Công an quận Long Biên khẳng định: Qua điều tra mới đây Công an quận chưa phát hiện được những dấu hiệu buôn bán trẻ em tại ngôi chùa này. Vì vậy không có cơ sở để khởi tố vụ án và kết luận vụ việc.
Giải pháp tới đây ông Đỗ Văn Tiêu cho biết Công an sẽ đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân loại các cháu tại chùa Bồ Đề để đưa vào các trung tâm bảo trợ của thành phố.
Trước đó, phóng viên đã tìm ra các địa chỉ các em được cho là đã “mất tích” như Tùng Anh, Bảo Anh, Duy Anh, Vi Anh, Mai Anh, Huy Anh.
Tuy nhiên, ngày 30/7, dư luận báo chí tiếp tục nêu rằng: Ni sư Thích Đàm Lan đã đi thu thập các cháu nhỏ, cụ thể là bút tích nhận trẻ là cháu Trần Tuấn Anh, sinh hồi 6 giờ 45 phút, ngày 24/4/2013 với Bệnh viện Phụ sản tỉnh Nam Định. Việc “xin nhận” này cũng trái nguyên tắc.
Quyết định của sở LDTB tiếp nhận cháu Trần Tuấn Anh. |
Có lẽ những tình tiết trên là điểm đáng chú ý, cũng như dễ gây tò mò, tranh luận trái chiều. Vì vậy, phóng viên cũng đã tìm hiểu, xác minh những vấn đề liên quan như sau: Thứ nhất là Biên bản bàn giao con nuôi, không phải do Ni sư Thích Đàm Lan xuống bệnh viên Phụ sản Nam Đinh xin về nuôi. Mà biên bản này có ghi: “Vào hồi 10 giờ, ngày 19, tháng 6, năm 2013, tại chùa Bồ Đề, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội” đã diễn ra sự việc bàn giao cháu Trần Tuấn Anh trẻ sơ sinh bỏ rơi tại Bệnh viện Phụ sản Nam Định, giữa bên giao là Bệnh viện Phụ sản Nam Định, bên nhận là chùa Bồ Đề, có sự chứng kiến của Công an phường Trần Đăng Ninh (Nam Định). Việc này cũng do bệnh viên đề nghị nhà chùa dang rộng vòng tay cứu giúp cháu nhỏ đã xác định được là nhiễm HIV (có biên bản kèm theo).
Ni sư Thích Đàm Lan cho biết: Bệnh viện phụ sản Nam Định đã đưa cháu tận chùa “năn nỉ” trăm sự nhờ nhà chùa từ bi cưu mang cháu bé bị nhiễm HIV, trong lúc bố mẹ bỏ rơi tại bệnh viện. Còn việc lập biên bản là để có trách nhiệm quản lý và khai báo với chính quyền. Việc bàn giao cháu Trần Tuấn Anh cũng được khai báo cho chính quyền địa phương và vì cháu bị nhiễm HIV nên ngày 29/8/2013, tại Phòng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em nhiễm HIV – Trung tâm chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội số II Yên Bài – Hà Nội đã diễn ra lễ bàn giao cháu Tuấn Anh, từ Phòng Lao động Thương Binh và Xã hội quận Long Biên với Trung tâm này.
Chúng tôi cũng đã làm việc với Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội được biết Sở này đã ra Quyết định số 29, ngày 1/10/2013 về việc tiếp nhận đối tượng bảo trợ xã hội là cháu Trần Tuấn Anh vào Trung tâm bảo trợ xã hội số II - Hà Nội.
Bà Đỗ Thị Hải Đường, Trưởng Phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em – Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội khẳng định cháu Trần Tuấn Anh hiện đang sống tại Trung tâm bảo trợ xã hội số II Hà Nội. Việc tiếp nhận Tuấn Anh về Trung tâm là hoàn toàn đúng quy trình, thủ tục.
Ông Đào Hồng Dương, Trưởng Công an phường Bồ Đề cho biết, qua thời gian quản lý và tiếp nhận nuôi dưỡng, cưu mang các bé không nơi nương tựa, người già cô đơn, bệnh tật công an phường cũng đã có quy định quản lý hộ khẩu, nhân khẩu tại chùa. Ngoài ra, còn xây dựng một quy chế giữa công an phường và chùa Bồ Đề để thực hiện chức năng khai báo quản lý nhân hộ khẩu của những người đến, người đi và việc quy định này cũng rất chặt chẽ, thực hiện đúng quy định pháp luật về luật cư trú.
Với trẻ đến ở tại chùa, những trường hợp có giấy và không có giấy khai sinh thì nhà chùa đều phải lập biên bản có người chứng kiến, thông báo đến cơ quan công an, phối hợp với Ủy ban nhân dân phường để xác định lai lịch, nhân thân hoặc tìm người thân với những trường hợp không xác định được thân thế.
Các em có bố mẹ sinh sống tại chùa hoặc muốn đón trẻ từ chùa về đều phải có xác nhận của chính quyền địa phương. Với vụ việc của chùa Bồ Đề, công an đang xác định những thông tin ban đầu cũng như phối hợp với nhà chùa, kiểm tra quá trình công tác quản lý nhưng qua rà soát thì không thấy biểu hiện của việc mua bán trẻ em.
Tin, ảnh: Nguyễn Văn Cảnh