Từ tháng 4/2011, một số diện tích rừng trồng ở Khe Vuồng, xã Đình Lập, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn của Công ty Lâm nghiệp Đình Lập đã đến tuổi khai thác theo chu kỳ, và khi kế hoạch khai thác rừng được phê duyệt và cấp phép khai thác, cũng là lúc các đối tượng lâm tặc lợi dụng vào rừng chặt trộm gỗ. Đặc biệt từ một tháng trở lại đây, tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn khi lâm tặc đã trắng trợn khai thác cả ban ngày, bất chấp mọi nỗ lực bảo vệ của người dân và các cơ quan chức năng.
Theo Công ty Lâm nghiệp Đình Lập, hiện diện tích có rừng của Công ty trên địa bàn Khe Vuồng gần 500ha thông mã vĩ. Thời gian qua, diện tích rừng trồng này đã giao khoán bảo vệ và khai thác nhựa cho người dân địa phương; nhờ đó mà đời sống của nhân dân trên địa bàn đã có sự đổi thay đáng kể, từ một vùng quê nghèo, đến nay nhiều hộ vươn lên khá giả.
Chị Mã Thị Uy, Khu I, thị trấn Đình Lập, cho biết: Gia đình nhà tôi được Công ty giao khoán bảo vệ khoảng 2.500 cây thông tại Khe Vuồng, nhưng cả tháng nay nhiều tốp người lạ đã ngang nhiên đưa cưa máy đến cắt cây giữa ban ngày. Khi chúng tôi lên tiếng phản đối thì các đối tượng này không chỉ vẫn thản nhiên khai thác, mà còn thách thức và đe dọa gia đình. Điển hình như ngày 20/12 vừa qua, hàng chục đối tượng chia thành 3 tốp vào khu vực rừng của gia đình tôi quản lý trắng trợn khai thác; tình trạng này đã kéo dài từ vài tháng nay trong toàn thôn Khe Vuồng. Lúc đầu, khi các đội khai thác của Công ty tiến hành khai thác theo kế hoạch thì các đối tượng này còn lén lút cắt gỗ và vận chuyển ban đêm, nhưng càng về sau, hoạt động này càng diễn ra công khai, chúng “cướp” gỗ ngay giữa ban ngày.
Một điểm tập kết gỗ tại Khe Vuồng, xã Đình Lập, huyện Đình Lập. Nguồn: baolangson.vn |
Ông Lê Thái, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đình Lập cho biết: Công ty đã nỗ lực bằng mọi biện pháp, tăng cường đội bảo vệ, thành lập đội thanh niên xung kích bảo vệ lập chốt tạm thời tại Khe Vuồng, nhưng các đối tượng lâm tặc quá đông, rất manh động và liều lĩnh, nên mọi nỗ lực bảo vệ chỉ hạn chế được phần nào .
Trước sự liều lĩnh, manh động của lâm tặc đã dẫn tới tình hình anh ninh trật tự trên địa bàn trở nên phức tạp. “Cuộc chiến” bảo vệ rừng của người dân được giao khoán bảo vệ rừng với các đối tượng lâm tặc đã tạo nên nhiều cuộc xô xát , thậm chí máu của những người giữ rừng đã đổ (đầu tháng 6/2011, trong một lần xô xát giữa những người dân bảo vệ rừng với lâm tặc, một người đã bị tử vong; hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra).
Ông Nông Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước diễn biến phức tạp, UBND huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, bám sát cơ sở để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, nhiều biện pháp cứng rắn hơn đã được triển khai thực hiện: Như tạm giữ người và các phương tiện vi phạm, tăng cường các lực lượng chức năng như công an, kiểm lâm thường xuyên tuần tra, kiểm soát…
Có mặt tại Khe Vuồng, khi có mặt của các lực lượng bảo vệ, tình hình tạm thời đã yên ổn. Tuy nhiên, đấy chỉ là bề ngoài, bởi dọc đường đi vào các khu rừng, chúng tôi vẫn bắt gặp từng tốp người ngồi tán gẫu. Một người dân đi cùng khẳng định, ngay khi các lực lượng chức năng đi khỏi , lâm tặc sẽ lại tiếp tục hoạt động.
Thái Thuần