Lào Cai: Đào giống mới bị chặt trộm vào dịp Tết Nguyên đán

Nhiều hộ dân ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai) kêu bị kẻ gian chặt trộm một số cây đào giống mới đang được trồng khảo nghiệm theo dự án giảm nghèo để thu tiền bất chính.

Họ khẳng định, đó là những người săn lùng cây đào để bán cho những người chơi hoa ngày Tết. Rất tiếc những cây đào bị chặt trộm có cả những cây đào thuộc giống đào chín sớm ĐCS1 (Earlygrande). Đây là giống đào do Texas A & M Universiry (Hoa Kỳ) lai tạo, đưa ra sản xuất từ năm 1992, nhập vào Việt Nam tháng 6/1997 và được trồng thử nghiệm tại Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) và Mộc Châu (Sơn La).

Theo anh Lê Hùng, nguyên cán bộ Phòng Văn hóa huyện Sa Pa, đào rừng Sa Pa có đặc điểm thân, cành mốc, xù xì, thế tự nhiên, hoa to, cánh dày, lâu tàn. Mấy năm gần đây, nhiều người thích chơi đào rừng trong ngày Tết để thưởng thức vẻ đẹp tự nhiên. Vì vậy, cứ giáp Tết là người ta náo nức lên Sa Pa “săn” đào rừng cổ thụ, khiến nguồn cung cạn dần.

Hết "nạc vạc đến xương", cây đào trên núi hiếm dần, người buôn đào vì hám lợi đã lẻn vào vườn cây đào giống mới để chặt trộm, bởi xét về ngoại hình, cây đào giống mới cho dù có nguồn gốc từ Pháp, từ Vân Nam (Trung Quốc) và từ Mỹ... chủ yếu trồng để lấy quả, nhưng hoa rất đẹp, nên đã lọt vào "mắt xanh" của cánh buôn bán đào cho dù các chủ vườn đã có các biện pháp đánh dấu, quét vôi và canh gác cẩn thận.

Từ đầu tháng 1 đến nay, một gia đình ở tổ 12 Ô Quý Hồ, thị trấn Sa Pa, đã mất hàng trăm cây đào. Chưa biết từ nay đến Tết sẽ còn bị mất bao nhiêu cây nữa nếu như chính quyền không có những giải pháp hiệu quả để giúp dân bảo vệ những giống đào quý hiếm có giá trị kinh tế cao như cây đào giống mới ở Sa Pa và một số các địa phương khác như hiện nay. Theo tính toán, một ha đào giống mới với 500 cây, sau khi trồng 5 đến 7 năm có thể cho giá trị thu nhập từ 100-120 triệu đồng. Do vậy, chặt cây để bán thật "lợi bất cập hại".

Lục Văn Toán

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN