Sau 5 ngày xét xử và 5 ngày nghị án, chiều 9/3, Tòa án Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã tuyên án các bị cáo trong vụ tham ô tài sản xảy ra tại Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng. Đây là phiên xét xử lần thứ 6 sau 5 lần bị đình hoãn với nhiều lý do khác nhau.Theo bản tuyên án, bị cáo Ngô Hồng Phi, nguyên giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng chịu mức án 4 năm tù giam; bị cáo Đặng Minh Út, nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến công, chịu mức án 3 năm tù giam; 2 bị cáo Nguyễn Quốc Trung và Nguyễn Thế Vương (nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng) cùng chịu mức án 2 năm tù giam; bị cáo Huỳnh Văn Bảy chịu mức án 1 năm tù cho hưởng án treo; bị cáo Huỳnh Ngọc Bích, chủ nhiệm HTX tiểu thủ công nghiệp Ngọc Bích, chịu mức án 6 tháng tù cho hưởng án treo; Huỳnh Tấn Là, Chủ nhiệm HTX TTCN Như Ý, chịu mức án 1 năm tù cho hưởng án treo. Riêng Nguyễn Quách Hồng Quyên, nguyên Kế toán của Trung tâm Khuyến công Sóc Trăng đã bỏ trốn nên sẽ xét xử sau. Ngoài ra, các bị cáo còn phải trả 402 triệu đồng đã “rút ruột” từ các dự án Trung tâm Khuyến công trong hai năm 2006-2007.
Các bị cáo đều không thừa nhận hành vi phạm tội của mình được nêu trong cáo trạng. Ảnh: phapluatvn.vn |
Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng công bố tại các phiên khai mạc trong hai năm 2006 - 2007, Trung tâm Khuyến công tỉnh Sóc Trăng do Ngô Hồng Phi làm Giám đốc đã triển khai 65 đề án dạy nghề, giải quyết việc làm cho bà con nông dân với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng. Cuối năm 2007, Trung tâm Khuyến công và các HTX tham gia dự án đã hoàn tất hồ sơ tạm ứng, thanh toán với số tiền 1,373 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện dự án, các bị cáo nêu trên đã có hành vi làm khống hóa đơn, chứng từ, “rút ruột” hơn 402 triệu đồng.
Tuy nhiên, cũng như các lần xét hỏi diễn ra tại các phiên tòa trước, tại phiên tòa Sơ thẩm lần này, các bị cáo đều không thừa nhận hành vi phạm tội của mình được nêu trong cáo trạng. 5 bị cáo nguyên là cán bộ, chuyên viên Trung tâm Khuyến công, khi được Hội đồng xét xử xét hỏi đều kêu oan, cho rằng “không tham ô”. Việc hợp thức hóa các giấy tờ, chứng từ có trong hồ sơ, được cáo trạng coi là “khai khống” thực chất là để thanh toán những khoản chi phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến triển khai thực hiện các đề án, các lớp học dạy nghề cho nông dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn...
Các luật sư bào chữa cũng nêu lên nhiều điểm chưa hợp lý trong quá trình điều tra, xét hỏi, nhiều tình tiết sai sự thật, có bị cáo bị oan sai như trường hợp của bị cáo Huỳnh Thị Ngọc Bích (Chủ nhiệm HTX TTCN Ngọc Bích). Cáo trạng cho rằng bà đã ký hợp đồng với Trung tâm Khuyến công mở 5 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhưng không mở lớp mà vẫn lấy tiền đào tạo, thực chất qua xác minh và nhân chứng tại tòa đều xác nhận bà có mở cả 5 lớp đào tạo nghề ở các xã Gia Hòa 2 và xã Tham Đôn (huyện Mỹ Xuyên). Dư luận cũng cho rằng, vụ việc thuần túy dân sự của HTX Ngọc Bích đã bị cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tỉnh Sóc Trăng hình sự hóa, khiến Chủ nhiệm HTX bị khởi tố oan sai, hàng ngàn lao động của HTX đã và đang lâm vào cảnh điêu đứng.
Mặc dù đã được tòa tuyên án nhẹ hơn nhiều so với cáo trạng đề nghị ban đầu của Viện Kiểm sát tỉnh nhưng hầu hết các bị cáo trong vụ án đều khẳng định sẽ tiếp tục kháng cáo.
Trung Hiếu