Lơ là đội mũ bảo hiểm cho trẻ em

Mặc dù đã có quy định xử phạt đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên khi đi xe máy không đội mũ bảo hiểm (MBH) nhưng nhiều phụ huynh vẫn còn khá thờ ơ với quy định này còn các cơ quan chức năng thì gặp nhiều khó khăn khi xử phạt.

 

Phụ huynh “né” quy định


Theo ghi nhận của phóng viên tại các trường Tiểu học, THCS, PTTH tại TP Hồ Chí Minh vào giờ tan học, rất nhiều phụ huynh đến đón con nhưng không mang theo MBH cho con em mình, thậm chí có nhiều phụ huynh mang theo MBH nhưng lại treo trên xe mà không đội cho trẻ.


Nhiều phụ huynh vẫn thờ ơ với việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông.

Chị Nguyễn Thị Diễm Thu đang đón con tại trường Tiểu học Phù Đổng (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bình Thạnh) nói: “Nhà ở gần trường, đi làm về tôi tranh thủ đón con luôn nên không mang MBH theo. Đoạn đường này cũng không có công an nên tôi vẫn đưa đón con đi học hàng ngày mà không đội MBH. Tôi cũng không nghe đến quy định xử phạt trẻ không đội MBH”. Còn anh Hoàng Văn Tiệp đang chờ đón con ở trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1) thì cho biết: “Tôi có nghe thông tin không đội MBH cho trẻ khi đi xe máy thì sẽ bị xử phạt nhưng từ nhà tới trường rất gần nên cũng không lo bị tai nạn. Nếu gặp công an thì tôi sẽ luồn vào đường hẻm để đi”.


Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Hồ Chí Minh, từ khi có quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em trên 6 tuổi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện có hiệu lực, tỷ lệ trẻ em được trang bị MBH vẫn còn rất thấp. Trên các tuyến đường có cảnh sát giao thông thường chốt chặn, chỉ khoảng 50% trẻ em đội MBH; các tuyến đường còn lại, tình trạng không đội MBH cho trẻ em còn rất cao. Trong khi đó, nhiều phụ huynh khi thấy cảnh sát giao thông kiểm tra đã tìm cách trốn tránh, đi vào tuyến đường khác; hoặc có trang bị MBH cho trẻ nhưng chỉ nhằm đối phó, không quan tâm đến kích cỡ phù hợp với trẻ và không cài dây an toàn khi đội MBH.


Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, nhiều phụ huynh không đội MBH cho trẻ khi tham gia giao thông là do họ còn hiểu thiếu chính xác và nhầm lẫn về độ tuổi quy định phải đội MBH, cũng như chưa nhìn nhận đầy đủ về ý nghĩa của việc đội MBH cho trẻ. Ngoài ra, nhiều phụ huynh tự tin vào tay lái của bản thân, tâm lý chủ quan vì đoạn đường ngắn, ngại mất thời gian...

 

Tăng cường tuyên truyền


Theo Ban ATGT TP Hồ Chí Minh, từ giữa tháng 9 đến cuối năm 2012, cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh đã xử phạt hơn 5.000 trường hợp vi phạm quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ, chiếm khoảng 26,3% tổng số vi phạm quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, số lượng này chưa phản ánh đúng về vi phạm trong thực tế, bởi đa số trẻ được phụ huynh đưa đón tại các trường học vẫn chưa được đội MBH.


Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, bắt đầu từ ngày1/4 - 1/6, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện đợt cao điểm xử phạt vi phạm không đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông. Đây là giai đoạn thứ 2 của Chiến dịch quốc gia “Trẻ em cũng phải đội mũ bảo hiểm” do Ủy ban ATGT Quốc gia, cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ phòng chống thương vong châu Á phối hợp thực hiện.

“Sở dĩ phụ huynh vẫn còn thờ ơ với quy định xử phạt trẻ không đội MBH khi tham gia giao thông một phần là do mức xử phạt còn thấp, chưa đủ răn đe; sự phối hợp giữa cảnh sát giao thông và nhà trường trong xử phạt chưa chặt chẽ và việc tuyên truyền mang tính phong trào, chưa thực hiện thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, cảnh sát giao thông khi thực thi nhiệm vụ cũng gặp không ít khó khăn trong việc xác định tuổi của trẻ”, ông Trần Quốc Hùng, Ủy viên chuyên trách Ban ATGT TP Hồ Chí Minh nhận xét.


Nhằm chấn chỉnh và nâng cao ý thức người dân, theo Ban ATGT thành phố, thực hiện Chiến dịch “Trẻ em cũng phải đội MBH”, từ 1/4/3013, lực lượng CSGT và công an các quận, huyện tiếp tục tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tất cả 24 quận, huyện và có thể kéo dài hết năm. “Chúng ta cần nhất là tuyên truyền, nâng cao ý thức phụ huynh đội MBH cho con khi tham gia giao thông. Cưỡng chế xử phạt chỉ là biện pháp răn đe cuối cùng. Trong đó, vai trò của nhà trường trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức đến phụ huynh học sinh là hết sức quan trọng và nên thực hiện thường xuyên, xuyên suốt”, ông Tường nói.

Trong khi đó, theo bà Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, việc cần làm ngay là tiếp tục tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác đội MBH cho con trong mỗi phụ huynh học sinh.


Bài và ảnh: Đan Phương

Ì xèo chuyện đổi mũ bảo hiểm

Chương trình đổi mũ bảo hiểm cũ lấy mới do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động đang nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Theo chương trình, ngoài các ưu đãi từ việc đổi mũ cũ lấy mũ mới, khách hàng còn được mua mũ với giá rẻ hơn so với giá trên thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN