Bị cáo Châu Thị Thu Nga tại phiên xét xử ngày 10/4/2018. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Trước đó, tại phiên sáng 12/4, đại diện Viện kiểm sát Cấp cao nêu quan điểm: hành vi của Châu Thị Thu Nga đủ yếu tố cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", không có cơ sở chấp nhận kháng cáo, kêu oan của bị cáo Nga, đồng thời không có căn cứ xem xét bị cáo phạm ở tội danh khác.
Về hình phạt, bị cáo Châu Thị Thu Nga là chủ mưu, đã chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội và bị cáo Nga phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ số tiền chiếm đoạt của khách hàng. Tòa sơ thẩm đã xem xét hết các tình tiết của vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt với bị cáo Nga và tuyên mức án chung thân là có cơ sở pháp luật, tại phiên phúc thẩm không có tình tiết nào đặc biệt mới để xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.
Từ đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên tội danh và hình phạt với bị cáo Châu Thị Thu Nga.
Bào chữa cho bị cáo Châu Thị Thu Nga tại Tòa, các Luật sư trình bày quan điểm, tranh luận và đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Là 1 trong 6 Luật sư bào chữa cho bị cáo Nga, Luật sư Hoàng Văn Hướng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) trình bày quan điểm bào chữa rằng, bị cáo Châu Thị Thu Nga không có hành vi gian dối và không có mục đích chiếm đoạt tài sản khi huy động vốn của khách hàng.
Luật sư cho rằng việc huy động vốn là để thực hiện dự án. Bởi các lý do: Dự án B5 Cầu Diễn là dự án có thật, được bị cáo Châu Thị Thu Nga và tất cả các bị cáo tin tưởng sẽ thực hiệc được và luôn tìm mọi cách để dự án được thực hiện.
Việc dự án B5 Cầu Diễn bị đỗ vỡ là do khách quan, khi Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng Hà Nội (HAIC) đột ngột rút khỏi dự án; một mình Housing Group phải đứng ra gách vác là một khó khăn rất lớn.
Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến dự án bị đổ vỡ. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các khách hàng đều mong muốn dự án được tiếp tục triển khai.
Lý do nữa mà Luật sư nêu ra là: Việc huy động vốn với các khách hàng là để phục vụ cho kế hoạch kinh doanh sản xuất, thực hiện dự án chứ không phải huy động vốn để chiếm đoạt tài sản cho dù có một số ít hợp đồng huy động vốn vi phạm về thời điểm được huy động vốn.
Theo Luật sư bào chữa, không phải tất cả các hình thức huy động vốn của Housing Group đều vi phạm về trình tự thủ tục huy động vốn. Bởi lẽ, việc huy động vốn của Housing Group được chia làm hai giai đoạn trước và sau ngày 8/8/2010 khi Nghị định 71/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở có hiệu lực.
Chỉ sau 8/8/2010 thì mới có quy định: Đối với hình thức huy động vốn bằng hợp đồng, văn bản góp vốn hoặc hợp đồng, văn bản hợp tác đầu tư với tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng nhà ở thì chủ đầu tư chỉ được thực hiện sau khi đã có dự án phát triển nhà ở được phê duyệt, đã thực hiện khởi công xây dựng công trình nhà ở và đã thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án phát triển nhà ở.
Cũng theo Luật sư Hướng, từ việc không có mục đích chiếm đoạt tài sản, bị cáo Châu Thị Thu Nga càng không có hành vi gian dối. Luật sư nêu quan điểm: Tất cả các hoạt động liên quan đến dự án nói trên bao gồm cả huy động vốn đều hướng tới mục tiêu phục vụ tiến độ dự án, tạo tiền đề vững chắc cho dự án bởi liên danh HAIC và Housing Group tin tưởng quy hoạch điều chỉnh dự án sẽ được phê duyệt, tin tưởng dự án được triển khai thuận lợi.
Cũng tại phiên phúc thẩm chiều 12/4, Tòa đã nghe quan điểm, tranh luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo khác và các bên liên quan.