Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức chiều 27/4, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết: Thiên Ngọc Minh Uy có trách nhiệm giải quyết toàn bộ vướng mắc với khách hàng, phải thanh toán toàn bộ số nợ còn thiếu với các khách hàng của mình.
"Việc công ty này xin dừng hoạt động không có nghĩa sẽ chấm dứt mọi trách nhiệm. Theo quy định, công ty bị rút giấy phép kinh doanh sẽ có thể được giải thể trong trường hợp trả đủ số nợ, có hồ sơ chứng minh không còn nợ nần... Sẽ không thể giải thể nếu vẫn còn ý kiến khiếu nại từ các khách hàng. Các thủ tục này có thể kéo dài vài năm", luật sư này cho hay.
Dù bị rút giấy phép, Thiên Ngọc Minh Uy tuyên bố chỉ chuyển đổi mô hình hoạt động. |
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đã chủ động nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp này có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật. Người tham gia bán hàng đa cấp có bất kỳ khiếu nại về việc công ty chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với mình có thể gửi yêu cầu.
Do vậy, theo luật sư Trương Thanh Đức, "nếu công ty lừa đảo thì sẽ bị xử lý hình sự, chứ không thể phân thân".
Còn luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh trao đổi với báo chí: Theo quy định của pháp luật, các công ty kinh doanh đa cấp phải giải quyết quyền lợi cho toàn bộ các cá nhân, tổ chức đã tham gia vào hệ thống của mình khi tuyên bố tạm dừng kinh doanh hoặc bị rút giấy phép kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên điều này không đơn giản vì người tham gia đa cấp trước đây trông đợi vào những khoản lợi nhuận "siêu khủng", bây giờ khoản lợi nhuận này là không thể.
Chính vì thế, những người đã đầu tư vào Thiên Ngọc Minh Uy sẽ là những người chịu thiệt thòi khi doanh nghiệp này bị dừng hoạt động.
Cũng theo luật sư Truyền, chi nhánh hoặc đại diện của Thiên Ngọc Minh Uy sẽ không được kinh doanh đa cấp khi công ty này đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý khi để xảy ra hàng loạt sai phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp, đặc biệt tại công ty Thiên Ngọc Minh Uy, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, trách nhiệm nhiều nhất thuộc về Bộ Công Thương, mà đại diện là Cục Quản lý cạnh tranh.
Trước đó, đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, sẽ giám sát việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy theo quy định của pháp luật, đồng thời khuyên người dân nên rút khỏi hệ thống đa cấp và không nghe chiêu trò của đơn vị này.