Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, nếu được Bộ Công An thông qua, người dân có quyền được giám sát các hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) qua hình thức quan sát trực tiếp hoặc ghi âm, ghi hình”.
Cụ thể: Theo dự thảo thay thế Thông tư 01/2016 có quy định, CSGT chỉ được dừng xe để kiểm soát trong 4 trường hợp thay vì 5 như trước đây. Đặc biệt, tại điều 12, dự thảo Thông tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT; đồng thời chỉ rõ quyền giám sát của người dân đối với CSGT khi đang làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, luật sư Anh Thơm cũng nêu rõ: Việc giám sát này phải theo quy định của pháp luật và không được cản trở đến hoạt động của lực lượng thực thi công vụ. Ví dụ như: Không được quay phim tại những địa điểm cấm quay phim theo Quyết định số 160/2004/QĐ-TTG ngày 6/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ quy định về khu vực, địa điểm cấm.
Theo đó, các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển, các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an, các khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân... sẽ bị cấm. Người dân không được cố ý cản trở lực lượng CSGT thực thi nhiệm vụ, truy bắt tội phạm; hoặc quay phim gây ảnh hưởng, an toàn đến bản thân cũng như những người tham gia giao thông khác.
“Việc giám sát của người dân qua ghi âm, ghi hình vẫn phải đảm bảo chuẩn mực văn hóa, có chừng mực trên cơ sở tôn trọng lực lượng chức năng. Ví dụ, không cầm máy quay, điện thoại dí sát vào mặt vào người CSGT, cản trở hoạt động bình thường của CSGT. Người dân giám sát cũng phải chịu trách nhiệm về thông tin giám sát của mình, đảm bảo thông tin giám sát khi công bố phải trung thực, khách quan; chịu trách nhiệm về việc phát tán thông tin theo quy định của pháp luật”, luật sư Anh Thơm nói.