Kể từ khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013 đến nay, nhiều đối tượng mại dâm đã lợi dụng kẽ hở của luật để đẩy mạnh hoạt động, khiến cho tình hình mại dâm ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Gia tăng mại dâm
Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, cả nước hiện có hơn 30.000 người bán dâm, trong đó 13.928 người có hồ sơ quản lý. Phương thức và địa điểm hoạt động mại dâm rất đa dạng: tập trung ở các tụ điểm công cộng, trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ trá hình và thông qua môi giới điều hành, sử dụng Internet, phương tiện liên lạc để tiếp thị, mại dâm theo tour du lịch…
Gái mại dâm bị đưa về trụ sở Công an phạt... rồi lại tiếp tục hành nghề. Dantri.com.vn |
Qua khảo sát, tệ nạn mại dâm trong cả nước nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng ngày càng phức tạp, nhiều biến tướng. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, hoạt động mại dâm không chỉ diễn ra bên trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, phòng cho thuê hoặc tại một số nhà hàng, vũ trường… mà phổ biến nhất là hình thức khiêu dâm, kích dục tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ núp bóng các quán cà phê, tiệm hớt tóc gội đầu hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe như mát xa, xông hơi, xoa bóp… Đặc biệt gần đây, hoạt động mại dâm nam, mại dâm đồng tính, mại dâm có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng, ẩn giấu trong các cơ sở spa, mát xa và một số cơ sở tập luyện thể hình; thậm chí còn lộ liễu cả trên đường phố, công viên và cá biệt có cả đối tượng vi phạm là học sinh, sinh viên…
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2013, cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố đã tổ chức truy quét 341 lượt, triệt phá 510 ổ nhóm mại dâm, trong đó có 295 điểm tại nơi công cộng, 46 cơ sở kinh doanh dịch vụ; đồng thời xử lý 201 đối tượng gồm gái mại dâm, người mua dâm, môi giới, chủ chứa… Mặc dù vậy, hiện tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn 65 tụ điểm, tuyến đường có mại dâm hoạt động, trong đó có gần 30 điểm là cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Hoạt động mại dâm gia tăng, diễn biến phức tạp kéo theo nhiều hệ lụy. Ông Chu Quốc Ân, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, cho biết trong 5 tháng đầu năm 2013 so với năm 2012 số người nhiễm mới HIV được phát hiện vẫn cao. Trung bình mỗi ngày trên cả nước phát hiện thêm 29 người nhiễm HIV mới. Đặc biệt tỷ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục có xu hướng gia tăng từ năm 2007 tới nay.
Quản lý chưa chặt
Theo ông Phạm Ngọc Dũng, Phó Trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, nguyên nhân khiến tình hình mại dâm không giảm đi mà còn có chiều hướng gia tăng là do Luật Xử lý vi phạm hành chính còn nhiều kẽ hở. “Trong luật chưa có chế tài đối với người trực tiếp thực hiện các hành vi khiêu dâm, kích dục mà chỉ quy định xử lý đối với chủ cơ sở. Vì vậy, các đối tượng này vẫn hoạt động biến tướng ngày càng gia tăng và tập trung vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ như nhà hàng, karaoke, hớt tóc, gội đầu, cà phê đèn mờ… có tiếp viên nữ. Hoặc khi phát hiện người bán dâm dù một lần hay nhiều lần, cơ quan chức năng chỉ được phép lập hồ sơ vi phạm và phạt tiền; đồng thời, thông báo với địa phương để tiếp nhận đối tượng về quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, những gái bán dâm thường không về địa phương nơi cư trú mà chuyển sang địa bàn khác để tiếp tục hành nghề. Thậm chí, nhiều người còn chấp nhận bị phạt để “được” bán dâm, hoặc “tăng ca” để bù vào số tiền đóng phạt. Trước đây một ngày họ chỉ tiếp khoảng 10 khách thì nay họ tiêm thuốc kích thích vào người để có thể tiếp 20 khách/ngày”- ông Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ theo Luật Doanh nghiệp hiện rất thông thoáng và có nhiều bất cập. “Bởi luật không yêu cầu xác minh nhân thân và địa chỉ kinh doanh khi cấp giấy phép kinh doanh đã tạo điều kiện cho chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ này dễ dàng sang tên đổi chủ. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thay thế để tội phạm mại dâm không còn cơ hội mở rộng hoạt động”- ông Dũng đề xuất.
Trong khi đó, ông Lê Trọng Sang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đánh giá, trước hết các cơ quan chức năng vẫn phải tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống mại dâm trong các tầng lớp nhân dân, các nhóm đối tượng bằng những hình thức phù hợp để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người vi phạm. Đồng thời, tăng cường công tác chấn chỉnh các ngành nghề kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Đặc biệt là công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mặt khác, cũng phải thường xuyên kiểm tra cấp phép để tránh tình trạng cấp phép mới cho những chủ cơ sở kinh doanh - dịch vụ liên tục vi phạm nhằm kịp thời ngăn chặn những hoạt động mại dâm biến tướng trá hình.
Hoàng Tuyết