Lê Thị Thanh Bình phải đứng trước vành móng ngựa,
vào nhà giam chỉ vì có chút nhan sắc?
Truân chuyên một "kiếp hồng nhan"
“Hồng nhan bạc phận” - câu đó thật đúng với cuộc đời lận đận, truân chuyên của Lê Thị Thanh Bình (SN 1983, ngụ TK 10, phường Bắc Lý, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình). Sinh trưởng trong một gia đình mà cha mẹ sớm “anh đường anh, tôi đường tôi” nên tuổi thơ của Bình không được vô tư như bạn bè cùng trang lứa. Cuộc sống vất vả bên người mẹ nghèo khiến Bình chịu nhiều thiệt thòi.
Bù lại, ông trời đã ban cho Bình một nhan sắc mặn mà khiến nhiều người đàn ông phải khát khao. Vậy nhưng chuyện tình duyên của Bình lại không được xuôi chèo mát mái khi cuộc hôn nhân “sớm nở chóng tàn” khiến cô lỡ dở ở lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Từ đó, Bình phải cố gắng làm lụng khổ cực để vừa nuôi con vừa phụ giúp thêm cho mẹ của mình.
Dù vậy, những vất vả mưa nắng, thăng trầm của cuộc sống vẫn không thể làm tàn phai vẻ thanh tú, quyến rũ của người phụ nữ đang ở độ “gái một con trông mòn con mắt”. Nhiều đấng mày râu buông lời ve vãn nhưng cô thì chẳng dám nhận lời ai.
Mầm họa sâu xa cho lối rẽ vào nhà giam của Bình bắt đầu từ sau khi cô xin làm việc tại một công ty kim hoàn ở phường Hải Đình, TP.Đồng Hới. Ngày 1/1/2006, cô chính thức được nhận vào làm việc tại công ty nhưng chỉ được ký hợp đồng có 2 năm. Hết hạn hợp đồng, Bình không được nhà chủ tái ký nhưng vẫn được tiếp tục làm việc(?). Sống trong thấp thỏm, cô càng tập trung hơn trong công việc vì sợ bị sa thải.
Ngày ngày, Bình vẫn đến công ty làm việc chăm chỉ cần mẫn như một con ong. Chính trong thời gian này, cô nhân viên có nước da trắng như bông bưởi, khuôn mặt đẹp mặn mà cộng với cái lý lịch làm mẹ đơn thân đã cảm nhận thấy ánh mắt khác thường của ông chủ công ty.
Bình cũng lờ mờ nhận ra sự bất an sau những lần ông chủ buông lời tán tỉnh, trêu ghẹo. Nhưng rồi vì miếng cơm manh áo, vì những đồng lương để nuôi con và phụ giúp mẹ nên Bình cố nhẫn nhịn những đụng chạm cả vô tình lẫn hữu ý của ông chủ. Rất nhiều lần nhân viên trong công ty đã phát hiện ánh mắt đầy si mê của ông chủ tiệm vàng dành cho Bình.
“Giám đốc của công ty em nhiều lần tán tỉnh và rủ rê em... Chuyện ông ấy “si” em, có tình cảm với em, nhiều người ở công ty đều biết, bà chủ cũng biết...”, Bình kể lại mà lệ tràn hai trên đôi mắt thâm quầng.
Bình từng nơm nớp lo sợ sẽ có ngày bị bà chủ “trả thù”, “trừng trị” chỉ vì “tội” cô bị ông chủ si mê, dù bản thân cô hết sức giữ mình và không có tình ý gì. Nhưng cái ngày đó chưa xảy ra thì “tai bay vạ gió” đã ập xuống đời Bình, thậm chí còn thảm khốc hơn việc sự dằn mặt, trả thù của bà chủ mà cô hằng tưởng tượng ra...
Ấy là vào lúc 20h30 ngày 2/2/2010, công ty tiến hành kiểm kê đối với số vàng 18K do Lê Thị Thanh Bình quản lý. Trong quá trình kiểm kê, công ty cho rằng số vàng Bình được giao quản lý so với thực tế thiếu đến 50,951 lượng. Sự việc được trình báo đến cơ quan công an. Bình bị bắt, khởi tố về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Mặc dù suốt quá trình điều tra, Bình kêu oan nhưng phiên tòa sơ thẩm ngày 29/2/2012, TAND tỉnh Quảng Bình đã kết án bị cáo Bình 14 năm tù.
Bị cáo Bình kháng cáo kêu oan, tại phiên tòa phúc thẩm vào cuối tháng 6/2012, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại miền Trung đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra xét xử lại từ đầu do có những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, nhiều tình tiết chưa được sáng tỏ. Tòa phúc thẩm tuyên tiếp tục tạm giam bị cáo Bình để phục vụ công tác điều tra. Trong suốt phiên tòa phúc thẩm, Bình đã khóc ròng và khẳng định mình bị oan. Dư luận thì cho rằng, chỉ vì nữ bị cáo này "lọt vào mắt xanh" ông chủ nên mới phải vướng phải vòng lao lý.
Vì sao nữ bị cáo kêu oan?
Luật sư Nguyễn Đình Ứng, Văn phòng Luật sư Nhật Lệ - Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình nhận định, vụ án này đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nặng tính suy diễn, áp đặt, thiếu chứng cứ buộc tội, ảnh hưởng đến số phận của một con người.
Theo Luật sư Ứng, trước hết sự nghi vấn tập trung vào chuyện kiểm kê số vàng do Bình quản lý. Khi tiếp xúc với két sắt đựng vàng, theo Bình khai nhận thì cửa đã mở cả trong lẫn ngoài. Vậy ai đã mở cửa két sắt?. Chiếc két sắt của tiệm vàng có 2 lớp cửa, chìa khóa lớp cửa ngoài và mã số do gia đình chủ giữ, cửa lớp trong thì Bình và một nữ nhân viên khác được công ty giao chung 1 chìa khóa. Ngoài chìa khóa đó, còn chìa khóa nào nữa không và do ai nắm giữ?. Cơ quan điều tra không làm rõ chi tiết này.
Muốn mở lớp cửa trong do mình quản lý, Bình và Dung phải mở được lớp cửa ngoài nhưng cửa bên ngoài cả ông chủ, bà chủ và con trai của đều mở được. Bình chỉ có mặt, quản lý két sắt trong giờ làm việc tại công ty. Thời gian còn lại chiếc két sắt này nằm ngay trụ sở công ty cũng là căn nhà của gia đình giám đốc. Nếu Bình có ăn cắp hoặc có động thái cất giấu vàng thì đã có camera luôn ghi hình lại. Tuy nhiên, khi bị cáo yêu cầu kiểm tra, công bố dữ liệu camera an ninh ở công ty nhưng cơ quan điều tra không thực hiện.
Luật sư Ứng cho rằng, việc kiểm kê tài sản cũng hết sức bất thường, chưa có tiền lệ ở công ty này được tổ chức ngoài giờ làm việc (lúc 20h30). Theo Bình tường trình, quá trình kiểm kê, bà Loan và con dâu là Hoàng Thị Quê đã tự lấy vàng ra cân và tự ghi trọng lượng. Bình không được phép tham gia mà bị bắt ngồi ở xa nhìn, nên không thể biết số lượng và trọng lượng kiểm kê thực tế là bao nhiêu.
Kiểm kê xong, bà Loan sai con dâu lấy bao nilon đen bỏ tất cả vàng vào và đem xuống phòng riêng cất giữ. Sau đó, bà Loan mới thông báo thiếu 53,453 lượng vàng và đến lúc đó mới điện thoại cho kế toán của công ty đến lập biên bản vụ việc. Bình còn bị bà Loan thu giữ điện thoại di động rồi đóng cửa, tạm giữ ở ngay công ty.
Những người tham gia đợt kiểm kê đều là không có chuyên môn, không tuân thủ quy định về kiểm kê, nặng tính gia đình. 4 người ký vào biên bản thì có hai mẹ con dâu, một người là nhân viên bán hàng ở ngay trong gia đình giám đốc, người còn lại thì đến khi việc kiểm kê đã sắp hoàn tất nên không thể không nghi ngờ tính khách quan, trung thực của sự việc.
Luật sư Ứng nhấn mạnh, một vi phạm nghiêm trọng nữa là trong khi cơ quan điều tra cho rằng “trong tổng số 50,951 lượng vàng thất thoát, chỉ có 57 vòng với trọng lượng 17,777 lượng vàng là đủ cơ sở để xác định Lê Thị Thanh Bình chiếm đoạt, còn lại 33,174 lượng là thiếu cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự”. Vậy nhưng sau đó VKSND tỉnh Quảng Bình lại “thẳng tay” đưa ra Quyết định truy tố Lê Thị Thanh Bình lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt luôn cả 50,951 lượng vàng!?
Dư luận hy vọng rằng tới đây vụ án sẽ được giải quyết lại một cách công bằng, khách quan; giải tỏa thắc mắc mà bấy lâu dư luận quan tâm: có hay không việc Lê Thị Thanh Bình bị đẩy vào tù chỉ vì... bị cáo này “lọt mắt xanh” của ông chủ?
Theo phapluatvn.vn