Ngày 10/3/2011, tại quán cà phê Minh Nhật (đường Quang Trung – thành phố Đà Lạt) đã xảy ra cuộc cãi vã nảy lửa giữa một nữ chủ doanh nghiệp và một “cò” biển kiểm soát (BKS) xe.
Lý do của cuộc đấu “võ mồm” này rất đơn giản: Chủ doanh nghiệp nọ vừa mua một xe gắn máy xịn và đã chi 2,5 triệu đồng cho “cò” với yêu cầu “chạy” được BKS 6, 7 hoặc 8 “nút”. BKS mà tay “cò” mang về cho chủ nhân này là 49 B1-02149 có đủ 6 “nút”, nhưng bà chủ doanh nghiệp lại tối kỵ số xe có đuôi là “bốn chín” và “năm ba” vì đây là những con số trùng với tuổi của năm “hạn” trong đời người (theo dân gian: “Bốn chín chưa qua, năm ba đã tới”). Trận cãi vã kết thúc với sự thất vọng của chủ xe và lời hứa “chạy” lại BKS thay thế khác của “cò”.
Khu vực thành phố Đà Lạt có cả chục cửa hàng bán xe gắn máy cùng nhiều đại lý bán xe ô tô. Hầu hết các chủ tiệm này đều bao luôn cả công đoạn đăng ký BKS cho khách mua xe mới khi chủ xe đề nghị và trả thêm tiền. Chi phí làm mỗi BKS không yêu cầu “nút” đẹp là 400.000 – 500.000 đồng, còn yêu cầu có biển 8, 9 chín “nút” hoặc “tứ quý” (4 số trùng nhau – PV) thì vô chừng.
Trong vai một người đi mua xe gắn máy, chúng tôi đã đến ba đại lý bán xe trên đường Phan Đình Phùng và một cửa hàng ở phường 6 Đà Lạt nhận thấy thực tế giống nhau. Muốn có “9 nút”, “số gánh”, “số tiến”, “số hợp với tuổi chủ xe” hoặc “tứ quý”... thì người bán xe đều đáp ứng với giá tiền dao động từ 1 - 2,5 triệu đồng mỗi BKS. Đội ngũ làm “cò” phổ biến là những nhân viên bán xe của cửa hàng, các đầu mối thân quen của chủ tiệm hoặc những tay “cò” chuyên nghiệp.
Không hiểu bắt nguồn từ đâu và từ bao giờ những quan niệm “số má” nói trên xuất hiện. Cho đến thời điểm này, chuyện “lo số đẹp”, “chạy số đẹp” đã lây lan như một căn bệnh sùng bái mê tín. Chưa thấy ai phát đạt, gặp may mắn chỉ nhờ kiếm được một BKS “đẹp” có “nút thời thượng” và cũng chưa thấy ai kiểm chứng sự kém may mắn chỉ vì biển số xe “xấu”. Còn trong rất nhiều bãi giữ xe vi phạm, xe gây tai nạn do công an đang quản lý đã có không ít xe biển “đẹp”, có cả những xe số “tứ quý".
Biển kiểm soát của phương tiện giao thông đơn giản chỉ là một số hiệu để phân biệt giữa các xe khác nhau. Những quan niệm kỳ quặc đã trở thành vấn đề để lại không ít hệ lụy. Chủ nhân mua xe “sính” biển đẹp tốn kém chi phí. Nghiêm trọng hơn, cũng vì cung đáp ứng cầu mà đã và đang tồn tại không ít con đường “chạy” biển kiểm soát đẹp.
Sơn Tùng