Về “vụ án chống người thi hành công vụ” tại phường Ngọc Hà (Ba đình, Hà Nội):

Mong chờ một phiên toà công minh

Ngày 6/11 tới đây, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xử phúc thẩm vụ án “chống người thi hành công vụ” xảy ra tại phường Ngọc Hà, quận Ba đình, thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, xung quanh vụ án này dư luận cũng còn đặt ra nhiều dấu hỏi.


Báo Tin tức số 156(3426) ra ngày 15/7/2010 đã đăng bài về vụ việc trên, phản ánh dư luận cho rằng việc khởi tố anh Đỗ Văn Hiển, công tác tại Công ty Điện lực Đống Đa (Hà Nội) có hành vi chống người thi hành công vụ là không khách quan. Bởi lẽ, lời khai của người bị hại, người làm chứng tiền hậu bất nhất không đúng với diễn biến vụ việc. Việc này đã buộc Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân quận Ba Đình đã phải trả hồ sơ điều tra bổ sung đến 4 lần.


Theo hồ sơ của Toà án nhân dân quận Ba đình (Hà Nội), khoảng 8 giờ ngày 17/9/2009, tại số nhà 28 ngách 158/23 phố Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, trong khi lực lượng cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng do vợ anh Hiển đứng tên sửa chữa cải tạo (trong thời gian gia đình đang khiếu nại các quyết định hành chính của Chủ tịch phường Ngọc Hà lên Quận Ba Đình), anh Hiển đã có hành vi chống đối, lăng mạ, thách thức lực lượng làm nhiệm vụ như dùng tay đấm vào má hàm dưới bên phải đồng chí Lê Phước Thủy (Công an phường Ngọc Hà) gây thương tích 2% tạm thời, giằng co với đồng chí Trần Đình Hà làm rơi biển hiệu đeo ngực và cành tùng. Hành vi trên của anh Hiển phạm vào tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại khoản 1 điều 257 Bộ luật hình sự.


Ngày 29/6/2012 TAND quận Ba Đình đã đưa vụ án ra xét xử. Mặc dù từ khi xảy ra vụ việc đến nay anh Hiển vẫn một mực khẳng định mình không có hành vi đấm anh Thủy và chửi bới (được thể hiện tại các biên bản phạm pháp quả tang và các lời khai). Ngược lại, bị hại và nhân chứng đều là những người tham gia lực lượng cưỡng chế lại có lời khai tiền hậu bất nhất và khi Cơ quan điều tra bổ sung đến lần thứ tư 4 họ cũng không lý giải được vì sao có sự mâu thuẫn đó. Thế nhưng, Tòa án vẫn nhận định anh Hiển có hành vi chống người thi hành công vụ và xử phạt 6 tháng tù. Anh Hiển đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án lên TAND thành phố Hà Nội.


Theo khoản 1, điều 257, Bộ Luật hình sự thì chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.


Như vậy trong vụ án này, để khẳng định anh Hiển có hành vi chống người thi hành công vụ thì phải chứng minh: Anh Hiển có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác. Cụ thể, anh Hiển có đấm anh Thủy hay không, ngoài ra những hành vi khác nếu có như: chửi bới, giằng co không được xem là hành vi khách quan cấu thành tội này mà nếu có chỉ xử lý hành chính. Tiếc rằng tại phiên tòa sơ thẩm, một thành viên của Hội đồng xét xử lại giải thích rằng, chỉ cần bị cáo có hành vi chửi bới, giằng co với lực lượng công an làm rơi biển hiệu, cành tùng cũng đã bị kết tội chống người thi hành công vụ (!?).


Mấu chốt trong vụ án này là anh Hiển có dùng vũ lực, cụ thể là có đấm anh Thủy hay không. Xuyên suốt hồ sơ vụ án từ lúc bắt đầu xảy ra cho đến phiên tòa sơ thẩm anh Hiển một mực khẳng định: Nhìn thấy anh Thủy ôm con gái anh (cháu Đỗ Cẩm Tú) vào ngực, anh Hiển gạt cháu Tú vào nhà, tay đeo nhẫn hay móng tay sắc, do vô tình làm xước má anh Thủy nên tại trụ sở công an quận Ba Đình, anh Hiển đã xin lỗi và xin bồi thường cho anh Thủy với tinh thần rất cầu thị.


Còn bị hại thì sao? Tại quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 04/KSĐT ngày 6/1/2012, VKSND quận Ba Đình yêu cầu làm rõ mâu thuẫn về nội dung trong bản chứng thương 866/BVXB ngày 17/9/2009 của Bệnh viện Xanh Pôn và Biên bản giám định pháp y ngày 8/11/2009 của Trung tâm pháp y HN; cụ thể chứng thương xác định anh Thủy bị sây sát “vùng má, dưới hàm phải”, nhưng giám định thì bị thương tích “má hàm trái”.


Quyết định điều tra bổ sung số 05/2011 ngày 26/4/2010 của TAND quân Ba Đình cũng yêu cầu làm rõ việc không thống nhất giữa lời khai của người bị hại và nhân chứng. Cụ thể. tại bút lục 22, 58 hồi 8h30 ngày 17/9/2012 anh Thủy khai “Hiển vừa đấm vừa vả vào mặt tôi”. Nhưng tại bút lục số 59 (gần 3 giờ sau đó), anh Thủy lại khai “Hiển dùng tay vả vào má bên phải tôi”. Đến bút lục số 61 ngày 14/10/2009, anh Thủy lại khai “Hiển dùng cùi tay đập vào má bên phải tôi”. Sáu tháng sau, tại bút lục số 182 ngày 20/5/2010, anh Thủy khai lại diễn biến hoàn toàn khác vời các lần khai trước, kể cả địa điểm xảy ra: “Tôi đang đứng nhìn vào trong nhà thì ở phía sau có tác động vào chân tôi một cái. Theo phản xạ tôi quay lại về phía bên phải cuả mình thì Hiển dùng tay phải đấm vào má góc hàm bên phải của tôi..”.


Điều đáng nói là lời khai nào anh Thủy cũng khẳng định là đúng sự thật nếu sai thì hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư đề nghị anh giữ lời khai nào thì anh trả lời “giữ tất các lời khai”.


Không những bị hại có lời khai tiền hậu bất nhất, mà người làm chứng trong vụ án tại các bản tường trình do chính tay họ viết và các lần khai của họ cũng… tiền hậu bất nhất và lời khai của các nhân chúng cũng khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn nhau. Tại bút lục số 78 ngày 17/9/2009 ông Phan Trần Phú, một nhân chứng khai: “Tôi và bác Đa, anh Tạc trèo rào vào trong nhà thấy anh trung niên chống đối quyết liệt lao vào đánh đồng chí Thủy, chúng tôi lao vào can, anh thanh niên chống đối và đấm vào mặt đồng chí Thủy và cắn vào tay anh Thủy..”. Đến BL 79 cùng ngày ông Phú lại khai “khi đồng chí Thủy yêu cầu mọi người ra khỏi khu vực cưỡng chế thì nam trung niên đó lao thẳng vào đồng chí Thủy và đấm vào mặt đồng chí Thủy, sau đó đồng chí Thủy ôm nam trung niên lại thì nam trung niên tiếp tục có hành vi cắn vào tay đồng chí Thủy gây chảy máu”. BL81 ngày 25/10/2009 ông Phú lại khai: “Cổng đang lung lay sắp đổ, đồng chí Thủy gạt Tú ra tránh cho cổng đổ vào người thì Tú giằng tay đồng chí Thủy cắn vào tay. Ngay sau khi chúng tôi giữ Tú, Hiển xông vào đấm vào má đồng chí Thủy”. Đến BL số 186 ngày 29/5/2010 ông Phú khai khác hẳn và đây là lời khai cuối cùng: “Khi Tú chạy vào nhà 28 thì mọi người chạy đến trước số nhà 28. Tại trước số nhà 28 anh Thủy đứng ở trước cửa phía sau là Hiển đứng hơi chếch về bên phải như hình vẽ tôi đã mô tả. Lúc Hiển đá anh Thủy tôi không nhìn thấy. Mà chỉ nhìn thấy Hiển dùng tay phải đấm vào má hàm bên phải đồng chí Thủy”. Giải thích vì sao các lời khai mâu thuẫn nhau, tại BL số 81, ông Phú lý giải: “sở dĩ tôi trình bày như vậy là tôi nghe người nào đó nói mà thôi, còn chính mắt tôi không nhìn thấy.”. Trước hàng loạt lời khai mâu thuẫn và trả lời tùy tiện của người bị hại và người làm chứng, Luật sư bảo vệ cho anh Hiển đề nghị Tòa cho thực nghiệm điều tra ngay tại phiên tòa theo lời khai của bị hại và nhân chứng để xác định tính khách quan của vụ án, nhưng không được tòa chấp nhận.


Với những lời khai tiền hậu bất nhất, mâu thuẫn nhau cũng như sự mâu thuẫn giữa bản chứng thương và giám định pháp y mà tòa sơ thẩm vẫn tuyên như thế thì thật là khó hiểu. Dư luận đang trông chờ vào sự công minh của TAND thành phố Hà Nội.


Quang Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN