Vụ triệt hạ 3 cây gỗ sưa cổ thụ trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng từng gây chấn động trên toàn quốc tưởng rằng đang đi đến hồi kết bằng việc đưa các đối tượng vi phạm ra trừng trị nghiêm minh trước pháp luật. Tuy nhiên, phiên xét xử phúc thẩm do Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình tổ chức hôm 15/8 vừa qua, lại làm cho dư luận thêm một đợt chấn động mới bởi việc vi phạm tố tụng, xét xử không đúng luật, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 56 tỷ đồng.
*Kết quả điều tra đã rõ…
Theo cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Quảng Bình thì vào ngày 19/4/2012, 12 đối tượng gồm: Hoàng Hạnh, Nguyễn Văn Minh, Lê Văn Tiến, Nguyễn Thế Anh, Trương Văn Tịnh, Hoàng Văn Thạnh, Phạm Văn Thắng, Lê Khánh, Lê Văn Diễn, Thái Xuân Tiềm, trú tại xã Phúc Trạch; Nguyễn Sĩ Sáu, Nguyễn Văn Thống, trú tại xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã vào khu vực Hung Trí, thuộc Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ở Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để triệt hạ 3 cây gỗ sưa (còn gọi là huê mộc vàng) thuộc nhóm 1A. Theo lời khai và kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình thì số lượng gỗ mà 12 đối tượng này khai thác được từ 3 cây sưa cổ thụ được khoảng 2.000 kg gỗ cành ngọn cùng 129 hộp gỗ (còn gọi là tấm hoặc gùi), trung bình mỗi hộp có trọng lượng 50-70 kg. Tất cả số gỗ này được bọn chúng cất dấu quanh núi đá vôi và trong một cái hố do nước mưa chảy tạo thành.
Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Hoàng Đại Anh |
Nhận được tin báo về việc khai thác gỗ sưa trong lòng Di sản, ngày 25/4/2012, 80 cán bộ kiểm lâm của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, do Phó giám đốc Nguyễn Văn Huyên dẫn đầu vào kiểm tra và phát hiện được số gỗ này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyên đã thiếu trách nhiệm, không làm đúng chức năng, nhiệm vụ nên quyết định bỏ lại gỗ và rút lui quân để cho lâm tặc muốn làm gì thì làm với số gỗ mà chúng khai thác được.
Ngày 26/4, 12 đối tượng lâm tặc trên quay lại thì phát hiện 2.000 kg gỗ cành ngọn bị mất, chỉ còn lại 129 hộp gỗ. Sau đó, chúng đã bán ngay trong rừng 9 hộp gỗ được 1,3 tỷ để chia nhau. Số gỗ còn lại 120 hộp được bọn chúng chia đều và tẩu tán.
Việc vi phạm của 12 đối tượng khai thác gỗ sưa trên không những làm thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước mà ngay sau đó còn gây ra các vụ trộm, cướp gỗ sưa làm mất an ninh, trật tự cho các xã quanh vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trong một thời gian dài. Và cũng chính vì vậy, ngày 16/5/2012, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan trực tiếp đến việc triệt hạ 3 cây sưa cổ thụ ở giữa lòng Di sản như được nêu ở trên...
Tại kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Bình và cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đều có chung nhận xét về hành vi của các bị can là đặc biệt nghiêm trọng, phạm vào khoản 2 điều 175 Bộ luật Hình sự. Thiệt hại mà bọn chúng gây ra cho Nhà nước trong vụ chặt hạ 3 cây sưa cổ thụ trong lòng Di sản qua trưng cầu và định giá của các cơ quan chức năng lên đến hơn 70 tỷ đồng, trong đó, chỉ riêng giá trị thiệt hại của 3 cây sưa cổ thụ đã hơn 56 tỷ đồng…
*Phiên toà phúc thẩm lạ lùng, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 56 tỷ đồng?
Khác với phiên xét xử sơ thẩm trước đó, phiên toà phúc thẩm do thẩm phán Hoàng Đại Anh ngồi ghế chủ toạ diễn ra hôm 15/8 vừa qua, đã bất ngờ đồng loạt giảm án cho 10/12 bị cáo trong vụ án và tuyên bố bác án sơ thẩm về phần bồi thường thiệt hại ba cây sưa cổ thụ với giá trị hơn 56 tỷ đồng vì lý do rất đơn giản không có căn cứ. Trong 10 bị cáo được giảm án, có Hoàng Hạnh từ 30 tháng tù, Lê Khánh từ 27 tháng tù đều giảm xuống còn 12 tháng; các bị cáo còn lại trước đó án tù giam bao nhiêu thì chuyển thành án treo bấy nhiêu.
Một phần gỗ sưa mà kiểm lâm bắt được trong vụ 3 cây sưa bị triệt hạ. |
Trước hết, về phần hình sự, việc giảm án đồng loạt trên được Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm b, p khoản 1, khoản 2 điều 46, Bộ luật Hình sự khi cho rằng các đối tượng phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải… Về điểm này, dư luận cho rằng là khó chấp nhận bởi lẽ trước đó, trong phiên toà sơ thẩm, Toà án nhân dân huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng đã lấy đó làm căn cứ để giảm án cho các bị cáo về mức tối thiểu theo khung hình phạt được đưa ra rồi thì không thể lần thứ hai lại lấy làm căn cứ để giảm án nữa. Bên cạnh đó, nếu lấy điểm b, khoản 1 điều 46 Bộ luật tố tụng ra để giảm án thì quả thực phiến diện bởi lẽ trong vụ án này người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả là chưa thấm vào đâu so với thiệt hại do chúng gây ra. Nên nhớ với cáo trạng của Viện kiểm soát nhân dân huyện Bố Trạch thì việc bồi thường thiệt hại cho Nhà nước trong vụ án này đối với đối tượng thấp nhất đã hơn 2,3 tỷ đồng, đối tượng cao nhất hơn 6,3 tỷ đồng, trong khi cho đến tận bây giờ, đối tượng thực hiện bồi thường thiệt hại cao nhất cho Nhà nước cũng chỉ mới 6 triệu đồng không hơn. Ngoài ra, nếu nói bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải để giảm án thì không lý do gì cũng ngay sau đó, chính Hội đồng xét xử lại không lấy đây làm căn cứ để tuyên trong phần bồi thường thiệt hại mà bác bỏ án sơ thẩm vì cho rằng không có căn cứ. Chẳng lẽ lời khai của các bị cáo trước đó với cơ quan điều tra, tố tụng là sai sao?
Một vấn đề khác mà dư luận cũng thực sự quan tâm là việc vi phạm tố tụng của Phiên toà phúc thẩm Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình hôm 15/8 vừa qua, khi không mời nguyên đơn dân sự Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có địa chỉ tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vì lý do đưa ra hết sức vô lý là vì họ không có kháng cáo, không bị kháng nghị và kháng nghị. Và có phải do không có nguyên đơn dân sự nên trong phiên tòa vừa qua, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình muốn tuyên sao thì tuyên ngay cả việc bác bỏ phần bồi thường thiệt hại của 3 cây sưa cổ thụ với giá trị lên đến trên 56 tỷ đồng hay không cũng là vấn đề mà dư luận hết sức bức xúc và yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Toà án Tối cao cần làm rõ.
Việc 3 cây sưa cổ thụ bị triệt hạ giữa lòng di sản là có thật, được thể hiện rõ bằng tang chứng, vật chứng, hình ảnh và có sự thừa nhận bằng việc khai báo của các bị cáo trong các bút lục điều tra thì việc tuyên án như Phiên toà phúc thẩm hôm 15/8 vừa qua có khác gì với việc tuyên trong vụ án này, không có cây sưa nào bị đốn hạ hay sao?
Ngay cả việc, trong cáo trạng nêu rõ ngày 29/4/2012, 12 đối tượng đã bán ngay trong rừng 9 hộp gỗ khai thác được 1,3 tỷ đồng để chia nhau thì trong phiên toà Phúc thẩm cũng không thấy ai nhắc đến việc thu hồi số tiền này cho thấy việc xét xử đã không được thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ và cẩn thận rồi.
Bên cạnh đó, quá trình điều tra xét hỏi tại phiên tòa do không có nguyên đơn dân sự nên được thực hiện rất phiến diện, không đầy đủ từ đó cho ra kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án cũng như việc áp dụng Bộ luật hình sự có những sai lầm cũng làm cho dư luận hết sức khó hiểu và đặt nhiều câu hỏi vì sao các bị cáo này lại được ưu ái giảm nhẹ án tội trong khi hành vi vi phạm rất nghiêm trọng lại còn không bị buộc bồi thường thiệt hại 3 cây sưa bị chính mình gây ra.
Trao đổi về việc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là nguyên đơn dân sự trong vụ án nhưng không được mời tham gia xét xử, ông Lê Thanh Tịnh-Giám đốc Ban quản lý Vườn bức xúc cho biết, việc toà không mời chúng tôi mà âm thầm tiến hành xét xử là trái với khoản 2, điều 245 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Đến tận bây giờ, chúng tôi mới biết rằng có phiên toà Phúc thẩm mà chúng tôi trong vai trò nguyên đơn dân sự liên quan đến phần bồi thường thiệt hại tài sản cho Nhà nước lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng đã bị bỏ qua, không mời.
Đăng ký làm việc với chủ toạ phiên toà về vấn đề trên, dù Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình Nguyễn Thanh Xuân đã giới thiệu và chúng tôi đã xuất trình thẻ nhà báo nhưng ông Hoàng Đại Anh, thẩm phán, chủ toạ phiên toà vẫn không chấp nhận mà yêu cầu phải có giấy giới thiệu ông mới cho gặp. Ông Anh nại rằng, ông không phát ngôn với báo chí bởi nếu sai báo chí đưa, ai chịu trách nhiệm? Theo ông, tất cả đã có bản án, ý chí của ông và hội đồng xét xử đều có trong đó nên nhà báo muốn làm gì cứ làm… Còn về việc tại sao ông chỉ đòi giấy giới thiệu trong khi thẻ nhà báo của chúng tôi đã đủ cho việc đăng ký một buổi làm việc thì ông Anh không ngần ngại nói, ông chưa đọc Luật Báo chí nên chưa biết, vì vậy, ông mới đòi giấy giới thiệu cho chắc ăn. Ông Anh cho biết thêm, mình đã 60 tuổi, nhiều năm cống hiến cho ngành và hiện đang chuẩn bị về hưu…
Phiên toà phúc thẩm xét xử 12 đối tượng trong vụ triệt hạ 3 cây gỗ sưa cổ thụ giữa lòng Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng do Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình tiến hành đã trôi qua gần 1 tháng nhưng vẫn chưa thấy cơ quan công quyền nào ở tỉnh Quảng Bình lên tiếng khiến cho dư luận hết sức băn khoăn, khó nghĩ. Phải chăng thiệt hại 3 cây gỗ sưa hàng chục tỷ đồng là tài sản của Nhà nước, là của công nên có chuyện “của chung không ai khóc chăng”?
Chúng tôi đã đem câu chuyện này trao đổi với một số lãnh đạo tỉnh Quảng Bình nhưng tựu trung đều có câu trả lời đây không phải là việc của mình, chuyện kháng nghị này sẽ do Toà án nhân dân Tối cao và Viện Kiểm Tối cao thực hiện. Đáng tiếc, đến giờ hai cơ quan này vẫn chưa thấy ai lên tiếng nên dư luận ở tỉnh Quảng Bình tiếp tục bức xúc và chờ đợi cùng với ý nghĩ hay của công nên họ muốn làm sao cũng được kể cả trái luật???.
Khoản 2, Điều 245 BÔ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ. Người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị được triệu tập tham gia phiên tòa. Nếu có người vắng mặt mà có lý do chính đáng thì Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị cáo hoặc đương sự vắng mặt. Trong các trường hợp khác thì phải hoãn phiên tòa. Thời hạn hoãn phiên tòa theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này hoặc tại các điều 45, 46, và 47 của Bộ luật này không được quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. |
Bài, ảnh: Mạnh Thành