Một số vấn đề cần quan tâm trong thu thập dữ liệu về tệ nạn ma túy

Thông tin, dữ liệu về tệ nạn ma túy là một lĩnh vực rộng lớn, bao gồm các dữ liệu về tình hình sử dụng ma túy, tình hình tội phạm về ma túy, điều trị, phục hồi cho người nghiện, công tác quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, số liệu về tái trồng cây có chất ma túy, số ca tử vong do ma túy, các khía cạnh về sức khỏe cộng đồng, trật tự – an toàn, xã hội khác có liên quan...

Ảnh minh họa. Nguồn: cand.com.vn


Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin đề cập đến vấn đề thu thập, xử lý các dữ liệu về tình hình sử dụng trái phép các chất ma túy.

Có thể khẳng định rằng công tác thu thập và xử lí các thông tin, dữ liệu về ma túy có ‎ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp đánh giá đúng thực trạng tình hình, diễn biến tệ nạn ma túy ở một địa phương, một quốc gia hay trên phạm vi thế giới.

Làm tốt công tác thu thập, xử lý dữ liệu về ma túy không đơn thuần chỉ giúp sớm phát hiện các khuynh hướng sử dụng ma túy bất thường, phát hiện các loại ma túy mới mà còn giải đáp rất nhiều vấn đề liên quan đến câu hỏi ở đâu, khi nào, tại sao người ta lại sử dụng ma túy...

Nhờ dựa vào những thông tin, dữ liệu này mà các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách mới có thể kịp thời đưa ra các giải pháp, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tệ nạn này.

Do có cùng nhận thức chung về tầm quan trọng của việc thu thập, xử lý số liệu về tình hình sử dụng ma túy mà các cơ quan của Liên hợp quốc hoạt động trong lĩnh vực kiểm soát ma túy đều rất chú trọng đến công tác này. Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế của Liên hợp quốc (INCB), Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) đã thiết lập nhiều bộ công cụ, tài liệu hướng dẫn, nhằm giúp các nước thành viên nâng cao hiệu quả công tác thu thập, xử lý thông tin theo hướng chuẩn hóa, có thể so sánh các số liệu của các nước.

Hơn thế nữa, các cơ quan này cũng không tiếc tiền của đầu tư cho các dự án giám sát, đánh giá, điều tra xã hội học về tình hình sử dụng ma túy ở nhiều nước. Liên minh Châu Âu (EU) đã và đang định kỳ khảo sát tình hình sử dụng ma túy trong nhiều trường học, các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao ở đại bộ phận các nước thành viên.

Nhiều nước thuộc khối ASEAN, việc thu thập, xử lý các dữ liệu về người nghiện ma túy từ lâu đã trở thành một công việc thu hút sự quan tâm đặc biệt. Những nước này đã thành lập các cơ quan chuyên trách thu thập, xử lý dữ liệu về ma túy. Các cơ quan này đã nhận được sự quan tâm, đầu tư thích đáng về nhân lực, tài chính và đã có những bước tiến đáng kể trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực thu thập, xử lý thông tin.

Trong số đó phải kể đến Thái Lan, Singapore, Malaysia... Cách thức chung mà nhiều nước đang áp dụng để có được những dữ liệu tương đối sát thực về tình hình người nghiện đó là các phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng với các kỹ thuật, các thuật toán sử dụng trong các nghiên cứu dịch tễ học nhằm ước tính con số người nghiện sát với thực tế và phân tích các thông số về nguyên nhân, hành vi liên quan đến việc sử dụng ma túy.

Tuy nhiên, để có được kết quả đó, điều không thể thiếu được là các con số thống kê hiện đang có trong các khảo sát trước đó hoặc trong kho dữ liệu của các cơ quan như: Số người nghiện ma túy đã xét nghiệm HIV, số người đang tham gia cai nghiện, số người có tiền án, tiền sự có sử dụng ma túy, hay số ca cấp cứu do sốc, số ca tử vong.

Việc thu thập các dữ liệu về tình hình sử dụng ma túy ở hầu hết các nước từ trước đến nay đang là công việc khó khăn, tiêu tốn thời gian, tiền của bởi lẽ, thứ nhất, đây là một công việc phức tạp và tốn kém, cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, nhiều đối tác có chuyên môn sâu, đặc biệt là các chuyên gia trong lĩnh vực thống kê, điều tra xã hội học....

Thứ hai, cộng đồng người sử dụng ma túy là “cộng đồng ẩn”. Họ ít khi muốn thổ lộ cho người khác, kể cả các nhà nghiên cứu về hành vi sử dụng ma túy của mình. Đặc biệt, ở những nước đang có sự kỳ thị đối với hành vi sử dụng ma túy thì khó khăn trong việc thu thập thông tin về họ càng tăng lên gấp bội. Trong nhiều khảo sát, mặc dù đã được quán triệt rất rõ nhiều khía cạnh như đạo đức, pháp lí... song để thuyết phục họ đồng ý tham gia nghiên cứu không hề dễ dàng.

Không ít người mặc dù đồng ý tham gia nhưng các thông tin mà họ cung cấp cũng đại khái, thiếu chính xác. Để khắc phục những nhược điểm này, ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của một nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dịch tễ học, điều tra xã hội học, kỹ năng xây dựng các bảng hỏi, kỹ năng phỏng vấn... là rất quan trọng nhằm khuyến khích đối tượng được hỏi bộc bạch điều mà họ không muốn nói và quan trọng hơn là không nói dối.

Ở nước ta, nhờ nhận rõ tầm quan trọng của các thông tin, dữ liệu về người nghiện ma túy, công tác thống kê, rà soát người nghiện ma túy được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, lãnh đạo Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm... đặc biệt quan tâm. Công tác này đã được nêu cụ thể tại rất nhiều văn bản pháp quy, trong đó phải kể đến Luật Phòng chống ma túy năm 2000, Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi bổ sung năm 2008, Quyết định 127/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ báo cáo thống kê PCMT, Thông tư 12/2011/TT-BCA-C41 của Bộ Công an quy định biểu mẫu và chế độ báo cáo thống kê phòng, chống ma túy...

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập, xử lý dữ liệu, đã có 2 dự án ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai trong lĩnh vực này. Việc rà soát, thống kê người nghiện được tiến hành đều đặn mỗi năm hai lần kể từ năm 1999 đến nay. Việc tổ chức rà soát, thống kê người nghiện từ cấp xã, phường trong cả nước đã có được những số liệu cơ bản, giúp các cơ quan chức năng đưa ra những nhận định cơ bản về diễn biến tình hình tệ nạn ma túy trong một giai đoạn nhất định. Công bằng mà nói, để có được những số liệu đó đã có sự nỗ lực rất lớn từ rất nhiều phía, trong đó phải kể đến lực lượng Công an cấp cơ sở.

Mặc dù vậy, đối chiếu với yêu cầu của Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc tế của Liên hợp quốc đặt ra cho các nước thành viên và trước đòi hỏi của thực tiễn công tác phòng, chống ma túy ở nước ta thì các số liệu đó còn quá sơ sài và chắc chắn chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình.

Nguyên nhân của vấn đề có nhiều, nhưng có thể chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản như sau:

- Do đặc thù của hành vi sử dụng ma túy, bằng cách làm như hiện nay, chủ yếu dựa nghiệp vụ của ngành Công an, phần lớn các địa phương mới đưa vào danh sách những người có thời gian sử dụng ma túy từ 5 năm trở lên. Những người mới nghiện hoặc chưa có những hành vi vi phạm pháp luật do ma túy hoặc chưa tự nguyện cai nghiện thì chính quyền địa phương chưa có biện pháp theo dõi, giám sát.

- Do chưa có sự thống nhất giữa các địa phương về nhiều tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí phân định “người nghiện” với “người sử dụng”, tiêu chí “thời gian” đưa ra khỏi danh sách người nghiện... nên có địa phương chỉ cần người nghiện ma túy sau khi vào cai tại trung tâm, tham gia chương trình điều trị bằng methadone... là đã có thể đưa ra khỏi danh sách người nghiện. Có địa phương sau khi ra khỏi trung tâm 1 năm không thấy tái nghiện là đưa ra khỏi danh sách trong khi địa phương khác phải sau 2, 3 hoặc 5 năm.

- Nguy cơ sót lọt, trùng lấn còn xảy ra ở nhiều khâu, nhiều bước nhất là đối với trường hợp các đối tượng bỏ khỏi nơi cư trú, trong giai đoạn tạm giam, hoặc đang thi hành án...

- Còn thiếu hướng dẫn từ các cơ quan chức năng trong việc xác định tiêu chí thế nào là “người nghiện ma túy tổng hợp” do vậy các địa phương còn rất lúng túng khi rà soát, thống kê nhóm đối tượng này.

- Năng lực cán bộ làm công tác rà soát, thống kê người nghiện là yếu tố then chốt song thực tế cho thấy ở nhiều địa phương đây đang là cản trở lớn. Thiếu cán bộ và yếu về năng lực phát hiện, thống kê người nghiện. Do vậy cần phải có những hướng dẫn tỷ mỷ, đơn giản giúp cấp cơ sở làm công việc thống kê hiệu quả hơn.

- Ngoài những nguyên nhân trên, một điều không thể bỏ qua đó là bên cạnh nhiều địa phương thực sự có trách nhiệm còn có địa phương xem nhẹ công việc này hoặc vì thành tích mà phản ánh không đúng thực trạng nghiện ma túy ở địa phương.

Để khắc phục tình hình trên và với mục đích đánh giá đúng thực trạng tình hình nghiện ma túy ở nước ta, ngày 8/3/2013, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBQG đã có công văn giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành tổng rà soát, thống kê người nghiện ma túy trong cả nước.

Công việc sẽ không hề đơn giản song thiết nghĩ đây cũng là cơ hội rất tốt để các cơ quan cùng chung sức đánh giá sát thực trạng tình hình người nghiện ma túy ở nước ta. Để thực hiện tốt chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBQG, ngoài việc các cấp, các ngành, các địa phương cần xác định rõ trách nhiệm của mình cũng cần có sự quan tâm đầu tư về tài chính cho các điều tra xã hội học tiến hành song hành với hoạt động rà soát, thống kê người nghiện.

Ở những địa phương nào chưa có điều kiện tiến hành các điều tra định tính trên diện rộng thì việc hướng dẫn Công an phường, xã áp dụng phương pháp điều tra theo kiểu “bóng tuyết”, có nghĩa là sử dụng ngay những người nghiện đã biết để xác định những người nghiện hoặc có hành vi sử dụng ma túy theo lời khai báo của họ thì mới có thể phát hiện thêm những người nghiện còn đang tiềm ẩn trong xã hội.

Tạ Đức Ninh
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN