5 năm qua, hàng trăm hộ nhận khoán của Công ty TNHH MTV cao su Kon Tum (Công ty cao su Kon Tum) đã bán lại hơn 250 ha vườn cây cho người ngoài để hưởng lợi cả chục tỷ đồng. Sự việc kéo dài nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Để tìm hiểu thực hư việc này, chúng tôi đã về Nông trường cao su Sa Sơn, nằm trên địa bàn xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, điểm nóng nhất của những vụ mua bán trên.
Trục lợi tiền tỷ
Năm 2001, thực hiện chủ trương phát triển cao su trên địa bàn, Công ty cao su Kon Tum đã thuê hơn 0 ha đất của UBND tỉnh Kon Tum tại huyện Sa Thầy. Trong đó có gần 500 ha đất của 4 hộ dân trong xã Sa Sơn tự khai hoang, sử dụng nhưng không có quyền sử dụng đất. Công ty đã phối hợp với chính quyền tính toán, đền bù hơn 1,2 tỷ đồng tiền công khai hoang cho người dân. Bên cạnh đó, 4 hộ trên cũng được ký hợp đồng nhận khoán trồng cao su và được ăn chia lợi nhuận theo tỷ lệ công ty hưởng 6 phần, hộ nhận khoán là 4 (tỷ lệ 4/6). Ngoài ra, để tránh khiếu kiện, tranh chấp đất đai, hợp đồng giao nhận khoán giữa người dân với công ty, UBND tỉnh cũng đã nghiêm cấm tất cả các hộ dân không được sang nhượng, cầm cố, thế chấp đối với diện tích đã trồng cao su nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của Giám đốc Công ty cao su Kon Tum (Thông báo kết luận của đồng chí Hà Ban-Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum ngày 26 tháng 4 năm 2006).
Hợp đồng mua bán vườn cao su. |
Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, tại Nông trường cao su Sa Sơn đã xuất hiện tình trạng hộ nhận khoán bán trái phép 151 ha vườn cây cho nhau với số tiền là hơn 8,6 tỷ đồng. Ngoài ra, còn lấn chiếm 56,11 ha diện tích vườn cây của nông trường. Một lãnh đạo của Nông trường cao su Sa Sơn cho biết, đã có 75 người ở các tỉnh về mua lại diện tích trên của 131 hộ nhận khoán. Cá biệt có diện tích được bán nhiều lần cho các đối tượng khác nhau như 1,5 ha của Trần Lịnh Tuyến đã được bán đến 3 lần với mức giá 95 triệu đồng; hay Bùi Văn Trực bán 2 ha cho Bùi Quốc Tưởng, sau Tưởng bán lại cho Lê Xuân Quảng, Quảng lại bán cho Lê Thị Thắm với giá 250 triệu đồng...
Do bị mua bán qua nhiều chủ, nhiều cây cao su bị mất chén đựng mủ cũng không được thay thế. |
Với những người mua ở các tỉnh, sau khi mua đã thuê người địa phương để quản lý và tổ chức đấu thầu việc khai thác mủ. Để nhanh thu hồi vốn, các đối tượng mua sẽ tận thu sản lượng bằng việc tăng cường khai thác mủ. Nhiều diện tích vườn cây bị cạo 1-3 lần/ngày, trong khi theo quy định thì 3 ngày mới cạo 1 lần. Ngoài ra, các “chủ” vườn mới này dùng thuốc kích thích bị cấm sử dụng để cho cây tiết, tạo mủ nhiều… Tuy nhiên khi nộp sản lượng khoán cho nông trường thì rất ít, mang tính tượng trưng, còn lại bán cho tư thương (năm 2011, Nông trường Sa Sơn chỉ hoàn thành 45% kế hoạch được giao). Theo một cán bộ kỹ thuật của Công ty cao su Kon Tum thì việc làm trên sẽ làm cây bị kiệt sức, chết hoặc giảm tuổi thọ khai thác mủ.
Tại anh, tại ả
Rõ ràng việc mua, bán, chuyển nhượng trái phép tài sản nhà nước trên là trái pháp luật. Tuy nhiên, không chỉ có việc dân lừa dân (hộ nhận khoán bán cho dân) mà các sai phạm trên còn liên quan đến nhiều cán bộ cấp xã, thị trấn và cả nông trường cùng tham gia.
Cụ thể, Phó Bí thư xã Bùi Quốc Tưởng mua 2 ha của Bùi Văn Trực; Phó Chủ tịch xã Trần Lịnh Tuyến cũng bán 1,5 ha. Năm 2008, Chủ tịch thị trấn Lê Thế Duy cũng bán diện tích nhận khoán của mình cho Nguyễn Ngọc Lịch (ở thị trấn Sa Thầy), việc mua bán này được đồng chí A Thưr - Phó Chủ tịch thị trấn xác nhận. Bản thân ông Duy cũng là người xác nhận cho nhiều hợp đồng sang nhượng vườn cây và đất trái phép.
Theo ông Lê Khả Liễm - Tổng Giám đốc Công ty cao su Kon Tum thì “đây là hành động mua, bán trái phép tài sản nhà nước nhằm thu lợi bất chính. Công ty cũng đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ các đối tượng mua bán trái phép vườn cây… Đối với trường hợp mua bán trái phép, đề nghị cho thu hồi vườn cây. Công ty sẽ phối hợp với UBND xã chia lại vườn cây cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương thiếu đất sản xuất”.
Không chỉ vậy, các lãnh đạo của Nông trường cao su Sa Sơn cũng tiếp tay cho việc hợp thức các giao dịch sai phép trên. Cụ thể, Hợp đồng chuyển nhượng của ông Lê Mạnh Đương với Vi Văn Hải được Phó Giám đốc Nông trường xác nhận; hợp đồng của Trần Văn Chín với Nguyễn Sư Quân vào năm 2008 được ông Vũ Văn Toán - Giám đốc nông trường xác nhận… Theo lý giải của ông Lê Ngọc Bôn - Trợ lý kế hoạch nông trường (khi công ty phát hiện sự việc) là do hộ nhận khoán thiếu lao động, thiếu sản lượng, nông trường cũng không quan tâm ai quản lý vườn cây, ngoài ra người mua còn cam kết hứa trả hết nợ khoán của hộ nhận khoán nên nông trường ký.
Được biết, trong năm 2012 này, Công ty cao su Kon Tum đã phối hợp với chính quyền đoàn thể, mặt trận các cấp tiến hành tính toán, làm lại hợp đồng khoán mới theo hướng có lợi hơn cho hộ nhận khoán (nâng lên thành 45,33%). Việc làm trên đã tạo được sự đồng thuận cao ở các nông trường khác của toàn đơn vị (theo ông Lê Khả Liễm thì 90% hợp đồng đã được ký mới). Nhưng tại Sa Sơn, việc ký hợp đồng mới vẫn chưa triển khai được nên từ đầu mùa thu hoạch mủ (đầu tháng 4) đến nay, Nông trường Sa Sơn vẫn chưa tiến hành cạo mủ được khiến thiệt hại hàng tỷ đồng. Theo lý giải của lãnh đạo nông trường thì một trong những nguyên nhân là do những người đã mua, bán vườn cây trái phép trên gây khó khăn trong việc triển khai kế hoạch cạo mủ năm 2012 này.
Hiện tại, vườn cây vẫn đang được rao bán không chỉ ở Sa Sơn mà còn vươn ra ở xã Đắk Bla, Kroong (thành phố Kon Tum).
Bài, ảnh: Cao Nguyên