Dù không còn rầm rộ và công khai như trước nhưng hoạt động khai thác cát vẫn ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực. Sông Đồng Nai "kêu cứu" vì sạt lở nghiêm trọng.
“Cát tặc” vẫn âm thầm hoạt động vào ban đêm
Khảo sát thực tế sông Đồng Nai đoạn qua thôn 5, xã Thống Nhất cho thấy, dưới lòng sông, đoạn gần cầu Vĩnh Ninh đang xây dựng, 2 bên bờ của Bình Phước và Lâm Đồng đều có tàu hút cát đậu. Bà Trần Thị Cúc, Bí thư, Trưởng thôn 5, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng khẳng định tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai vẫn lén lút diễn ra thời gian gần đây, chủ yếu vào đêm, rạng sáng. Hầu như các cuộc tiếp xúc cử tri, nhân dân đều kiến nghị về vấn đề này.
Bà Bùi Thị Bé (thôn 5, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng) cũng cho biết, tình trạng hút cát trộm vẫn xảy ra vào ban đêm. Trước đó, cứ thấy các đối tượng hút cát trộm, người dân báo địa phương xử lý nhưng chỉ 2, 3 ngày sau các đối tượng lại "ngựa quen đường cũ". Cũng theo phản ánh của bà Bùi Thị Bé, tình trạng hút cát trái phép đã khiến vườn cây, khu đất phía sau nhà bà bị sạt lở, gây hư hại cây trồng, đất đai. Do khu đất là đất lâm phần nên… chẳng được ai đền bù.
Hình ảnh hàng đoàn xe ben chở cát nối đuôi nhau trên tuyến đường ĐT.753B (hay thường được gọi là đường Sao Bọng – Đăng Hà) đã không còn xa lạ với người dân 2 xã Đăng Hà và Thống Nhất (huyện Bù Đăng) những năm qua. Đi dọc tuyến đường này, đoạn từ thôn 5 xã Thống Nhất xuống đến xã Đăng Hà không khó để thấy những bãi tập kết cát lớn, nhỏ từ vài chục mét khối đến cả trăm, thậm chí cả ngàn mét khối. Hầu hết các bãi tập kết này đều là trái phép, luôn có các đối tượng cảnh giới.
Dọc 2 bên bờ sông Đồng Nai, còn rất nhiều dấu tích, đoạn tuyến bị sạt lở, hậu quả của tình trạng “cát tặc” hoành hành những năm qua. Anh Lục Văn Giang (ngụ thôn 5, xã Thống Nhất cho biết: “Do tình trạng khai thác cát nên khi trời mưa hay đến mùa mưa, nước dâng lên rồi rút ra là bờ lại bị sạt lở”. Anh Hà Đại Lộc, ở thôn 4, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng cho biết, năm 2015, anh chuyển đến xã Đăng Hà sinh sống thì dòng sông Đồng Nai vẫn đang còn nguyên sơ, đầy đủ cây cối, rất đẹp và mát mẻ. Tuy nhiên, càng ngày các tàu cát nối đuôi nhau tới khai thác cát khiến hai bên bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, bờ sông bị sạt lở, mở rộng ra hai bên hàng chục mét.
Liên quan đến tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai, Thiếu tá Phan Công Lý, Trưởng công an xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng cho biết: Năm 2020, công an xã cùng phối hợp đội kinh tế, công an huyện bắt giữ, xử lý 4 tàu có hành vi khai thác trái phép khoáng sản. Hiện nay, công an xã đi tuần tra 3 ngày/tuần. Địa hình ở khu vực này cũng rất phức tạp, đồi núi, có nhiều vực sâu. Công tác tuần tra trên dòng sông chưa có, chủ yếu tuần tra về an ninh trật tự và các hành vi khai thác gần bờ cũng như các hành vi khác của các tàu cát...
Ông Vũ Ngọc Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng cho biết, huyện Bù Đăng vẫn thường xuyên duy trì các tổ kiểm tra, chỉ đạo các xã tăng cường công tác kiểm tra, quản lý. Tuy nhiên, công tác xử lý tình trạng khai thác cát lậu gặp rất nhiều khó khăn, vì các đối tượng thường khai thác trộm từ nửa đêm đến rạng sáng. Thậm chí, khi bị lực lượng tuần tra phát hiện, các đối tượng nhanh chóng tránh sang địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng nên công tác truy bắt, xử lý rất khó khăn.
Ngày 30/9/2020, UBND tỉnh Bình Phước đã có văn bản yêu cầu kiểm tra khai thác cát, tình hình hoạt động của các bãi tập kết cát trên địa bàn huyện Bù Đăng. UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND huyện Bù Đăng yêu cầu tất cả các bãi tập kết, kinh doanh cát xây dựng trên địa bàn xã Thống Nhất và Đăng Hà phải di dời toàn bộ khối lượng cát còn tồn tại ở các bãi tập kết đi nơi khác; khôi phục lại tình trạng như trước trong 30 ngày. Đối với những tàu không có giấy phép hoạt động, công an tỉnh phải đề nghị chủ tàu kéo lên bờ, nếu không sẽ tiến hành xử lý theo quy định. Nhưng đến nay đã gần 4 tháng sau khi có chỉ đạo, các bãi tập kết cát vẫn còn khá nhiều, hoạt động vận chuyển cát vẫn đang diễn ra khá nhộn nhịp.
Chỉ cấp 2 giấy phép khai thác
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn tỉnh Bình Phước, từ năm 2009 tỉnh Bình Phước đã cấp phép cho 1 doanh nghiệp là Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất - thương mại - dịch vụ Trường Phát (thành phố Đồng Xoài) khai thác. Sau khi được gia hạn lần 1 vài năm 2015, đến ngày 31/12/2018, giấy phép khai thác của doanh nghiệp này hết hạn và đến nay vẫn chưa được gia hạn thêm.
Theo thông báo số 349 ngày 22/6/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước thống nhất rằng tại đoạn sông giáp ranh, mỗi tỉnh chỉ cấp 2 giấy phép khai thác cát; việc khai thác phải đảm bảo không bị sạt lở 2 bên bờ sông, xa khu dân cư, không ảnh hưởng đến các di tích, công trình xây dựng khác. Các cơ chức năng nghiêm cấm việc ủy thác khai thác khoáng sản và khai thác vào ban đêm.
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Phước đã thống nhất cấp giấy phép khai thác cát xây dựng trên sông Đồng Nai đoạn giáp ranh 2 tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Binh đoàn 16 (thuộc Bộ tư lệnh Binh đoàn 16) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Bình Phước.
Đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất - thương mại - dịch vụ Trường Phát Trường Phát, UBND tỉnh Lâm Đồng chưa thống nhất gia hạn cho doanh nghiệp này tiếp tục khai thác cát trên sông Đồng Nai do trong thời gian hoạt động, công ty chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nội dung chỉ đạo của UBND 2 tỉnh. Nghiêm trọng hơn là việc khai thác cát của đơn vị này đã gây sạt lở bờ sông phía huyện Cát Tiên (Lâm Đồng); công ty không hợp tác trong việc khắc phục, bồi thường cho người dân, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, an ninh trật tự tại địa phương.
Theo Chủ tịch UBND xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng Vũ Ngọc Đỉnh, chính quyền, xã Đăng Hà mong muốn 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước thống nhất bàn giao cho các công ty, đơn vị có chuyên môn để khai thác, quản lý có hiệu quả. Các đơn vị khai thác theo khuôn khổ của pháp luật, đúng quy định, đúng giấy phép. Trong thời gian chờ đợi các đơn vị chính thức được cấp phép quản lý, khai thác cát trên tuyến sông này, người dân địa phương cho rằng để đẩy lùi nạn “cát tặc”, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt, thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, không để xảy ra tình trạng tiếp tay, bảo kê, tiến tới chấm dứt nạn khai thác cát trái phép để người dân sống dọc hai bên bờ sông Đồng Nai yên tâm sinh hoạt và sản xuất.