Trong hai ngày 30 và 31/5, tại thành phố Đà Nẵng, Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức "Hội thảo quốc gia về báo cáo và giám sát xu hướng ma túy tổng hợp". Ma túy đá, thuốc lắc, ma túy tổng hợp. Ảnh:cand.com.vn |
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai diễn đàn về hỗ trợ, chia sẻ thông tin về tình hình tội phạm ma túy nói chung, đánh giá tác động của ma túy tổng hợp (MTTH) nói riêng giữa các cơ quan phòng chống tội phạm ma túy của 11 quốc gia Đông Nam Á.
Theo đánh giá của UNODC tại Việt Nam, xu hướng chung của tội phạm ma túy trên thế giới hiện nay đang chuyển dần từ các loại ma túy truyền thống như thuốc phiện, heroin, cocaine... sang MTTH.
Đáng quan ngại là loại ma túy này được tổng hợp hoàn toàn bằng các loại tiền chất, hóa chất được sử dụng nhiều trong các hoạt động hợp pháp, không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu tự nhiên.
Tại Việt Nam, trong những năm qua công tác phòng chống ma túy (PCMT) đã được các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm triển khai toàn diện trên tất cả các mặt như: tuyên truyền giáo dục, đấu tranh chống tội phạm ma túy, cai nghiện cho người nghiện ma túy, xoá bỏ và thay thế cây có chứa chất ma túy, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, hợp tác quốc tế về PCMT… và bước đầu đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm và tệ nạn ma túy.
Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và giao lưu thương mại quốc tế hiện nay, Việt Nam vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng từ tình hình ma túy trong khu vực và thế giới, đặc biệt do điều kiện địa lý, Việt Nam nằm gần khu vực Tam giác vàng và Lưỡi liềm vàng là những nơi sản xuất ma tuý lớn nhất thế giới. Do đó, công tác PCMT nói chung, và MTTH nói riêng ngày càng giữ vai trò quan trọng trong phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy và đồng thời còn tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Báo cáo của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tại Hội thảo cho thấy từ năm 2010 đến nay tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép MTTH gia tăng cả về số vụ, số đối tượng và số lượng ma túy.
Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, xu hướng đối tượng sử dụng MTTH chủ yếu rơi vào độ tuổi từ 18 - 30 và đang có dấu hiệu gia tăng. Năm 2001 số người này chỉ chiếm 64,8% học viên cai nghiện, thì năm 2005 tăng lên 65,9% và năm 2010 là 76,3%.
Thời gian người nghiện ma túy kéo dài từ 5 năm trở lên cũng đáng báo động (năm 2001 chiếm 19,9%, thì năm 2005 là 29,1% và năm 2010 tăng lên 43,3%). Trong khi đó, số đối tượng có tiền án tiền sự về các hành vi liên quan đến MTTH cũng tăng mạnh, thứ tự: Năm 2001 có 12% người có tiền án, 29,2% người có tiền sự, thì năm 2005 tỷ lệ là (18,4%, 29,3%) và năm 2010 cả người có tiền án và tiền sự cùng ở mức 37,9%.
Có thể thấy rằng tình trạng lạm dụng các chất ma túy tổng hợp, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần ở trong nước ngày càng tăng, nhất là trong giới trẻ; tình hình thanh thiếu niên tổ chức sử dụng MTTH trong vũ trường, quán bar, nhà nghỉ, nhà riêng…. chưa giảm.
Hiện tượng sử dụng cần sa trong vũ trường quán bar kết hợp với MTTH ngày một phổ biến. Sự phức tạp, gia tăng về tình trạng sản xuất, sử dụng MTTH tại Việt Nam xuất phát từ nhận thức của người dân về tác hại của MTTH còn kém, nhất là giới trẻ. Các đối tượng sản xuất, vận chuyển, buôn bán MTTH do lợi nhuận cao nên luôn tận dụng kẽ hở của luật pháp để thực hiện hành vi. Qua đó cho thấy một xu thế mới về hình thức và loại ma túy sử dụng tại Việt Nam, đây là một vấn đề đang được quan tâm.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, cái khó của Việt Nam hiện nay là năng lực giám định, truy nguyên MTTH chưa theo kịp nhu cầu thực tiễn vì thiết bị cũ, không đồng bộ. Trong khi đó, mẫu chuẩn giám định thiếu, cơ sở dữ liệu về nguồn gốc mẫu chưa có. Mặt khác, ở nước ta vẫn còn một số tồn tại là chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán và chưa có phác đồ điều trị người nghiện MTTH.
Việc này các cơ quan chức năng đang nỗ lực cải thiện trong thời gian từ nay đến năm 2015. Ngoài ra, cũng sẽ nghiên cứu áp dụng liệu pháp tâm lý Machix không dùng thuốc trong hỗ trợ điều trị cai nghiện và phục hồi chức năng cho người nghiện MTTH; nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và các phương pháp điều trị các rối loạn tâm thần do sử dụng amphetamin.
Để nâng cao hiệu quả công tác PCMT nói chung và tệ nạn buôn bán, sử dụng MTTH nói riêng, trong Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT giai đoạn 2012 – 2015 và Chiến lược quốc gia PCMT đến năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã và đang tập trung chỉ đạo và đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn không để ma túy thẩm lậu từ bên ngoài vào Việt Nam; đồng thời kiểm soát chặt chẽ không để tội phạm sử dụng các loại thuốc tân dược chứa tiền chất vào sử dụng MTTH.
Bàn về giải pháp trong thời gian tới, các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, bên cạnh thực hiện các quy chế phối hợp giữa các ngành, các địa phương; tăng cường hợp tác quốc tế giữa các tuyến biên giới; nâng cao kiến thức, phân công trách nhiệm cho cán bộ chuyên tránh làm công tác PCMT của các Bộ, ngành, điều quan trọng nhất là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân trên diện rộng, có chiều sâu, nhất là các tỉnh khu vực biên giới để mọi người có ý thức đấu tranh phòng chống, tố giác tội phạm ma túy.
Bên cạnh đó, phải theo dõi chặt chẽ các đối tượng Việt Kiều, người Việt từng sinh sống, học tập, công tác tại các nước châu Âu, Đông Âu; phối hợp với ngành Y tế, Công thương, Hải quan làm tốt công tác quản lý, kiểm soát hóa chất, tiền chất đặc biệt là các loại hóa chất tội phạm lợi dụng để sản xuất MTTH.
Đặc biệt, cần triển khai các biện pháp rà soát, thống kê, đánh giá tình hình người nghiện ma túy tại Việt Nam. Đây là công việc mang tầm quan trọng đặc biệt giúp các cơ quan chức năng nắm bắt được xu thế để đưa ra chủ trương, chính sách nhằm đấu tranh ngày càng có hiệu quả hơn.
Theo Đại tá Nguyễn Kiên, Chánh văn phòng, Văn phòng Thường trực Phòng, chống tội phạm và ma túy, Bộ Công an, chương trình “Báo cáo giám sát xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp toàn cầu” là cơ hội vô cùng quý báu để các cán bộ PCMT có dịp để thảo luận, chia sẻ thông tin nhằm tăng cường nhận thức và năng lực cho các cơ quan chức năng của Việt Nam trong thu thập và xử lý thông tin, dữ liệu về ma túy bất hợp pháp, đặc biệt là MTTH; đồng thời tiếp cận với các kinh nghiệm của các đồng nghiệp quốc tế trong một lĩnh vực còn mới mẻ và đầy khó khăn này.
Hoài Linh – Việt Hùng