* Bắc Ninh: Theo thống kê trên dọc các tuyến sông do huyện Yên Phong (Bắc Ninh) quản lý có 37 chủ thuyền hoạt động thác cát, sỏi trái phép. Trong đó, huyện Yên Phong có 17 chủ thuyền. Còn lại là thuộc các xã của huyện Việt Yên và Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang). Do bị lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ vào ban ngày nên hiện nay các chủ thuyền thường tập trung khai thác vào ban đêm, chủ yếu ở các địa bàn như xã Tam Giam, Dũng Liệt, Tam Đa, huyện Yên Phong. Lợi dụng đêm tối, một số chủ thuyền khai thác ở cả các khu vực tỉnh cấm tuyệt đối (sát chân đê, gần khu vực kè, cống, trạm bơm).
Những diện tích đất nông nghiệp của người dân khu vực ngòi Giành đang bị "cát tặc" xẻ thịt. Ảnh: Văn Toàn - TTXVN |
Trên địa bàn huyện Yên Phong, hoạt động tập kết trái phép cát sỏi cũng diễn biến phức tạp. Toàn huyện có 15 chủ với 17 bãi tập kết trên tổng diện tích 6,5 ha, khối lượng tập kết hàng năm khoảng 780.000 m3. Tuy nhiên, chỉ có 4 chủ bến bãi nằm trong 3 khu vực được quy hoạch với diện tích 49.500 m2. Các chủ bến còn lại chủ yếu thuê đất của thôn hoặc sử dụng đất của gia đình để kinh doanh bến bãi. Qua kiểm tra, một số chủ bến bãi chưa thực hiện nghiêm những quy định của tỉnh về hoạt động kinh doanh bến bãi (không làm thủ tục thuê và sử dụng đất làm bến, bãi; không có giấy phép; tập kết, vận chuyển trong thời gian cấm...).
Để xử lý dứt điểm nạn khai thác cát lén lút vào ban đêm, UBND huyện Yên Phong đã kiện toàn Tổ công tác liên ngành để tăng cường phối hợp với các xã ven sông trong việc truy bắt các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép. Nhờ đó, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép vào ban đêm ở các khu vực này dần được ngăn chặn. UBND huyện Yên Phong đã tuyên truyền, vận động nhân dân các xã ven sông phối hợp với UBND các xã thường xuyên liên lạc theo đường dây nóng, thông báo cho lực lượng chức năng bố trí bắt giữ, xử lý kịp thời các vi phạm.
lPhú Thọ: Từ 2007 đến nay, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ trên địa bàn hai xã Tiên Lương và Ngô Xá, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ). Nghiêm trọng nhất là khu vực ngòi Giành, xã Tiên Lương đang bị “cát tặc” khai thác nghiêm trọng làm cho ngòi Giành bị lở sâu tới 8 m, chiều rộng hơn 100 m trên toàn tuyến ngòi với chiều dài 6 km bên tả. "Cát tặc" cũng đã làm cho gần 4 ha diện tích trồng ngô, đậu, lạc của hơn 100 hộ dân tại xã Tiên Lương bị mất trắng. Trong khi đó, chính quyền xã bó tay, còn lãnh đạo huyện vẫn đang loay hoay tìm hướng giải quyết.
Ông Trần Văn Quyền, cán bộ địa chính xã bức xúc: Toàn bộ vùng Trại Quýt, Soi Cả, Oa Ốc của xã Tiên Lương, hàng ngày phải chứng kiến hơn 10 thuyền hút cát, hút sỏi. Mất một mét đất trên vùng thượng lưu ngòi Giành, thì vùng hạ lưu mất đi hàng trăm mét đất nông nghiệp. Xã đã nhiều lần bắt quả tang “cát tặc” khai thác nhưng trên đường giải về xã, dọc ngòi bị “cát tặc” đánh chìm, công an chịu không làm sao trục vớt được. Chờ lực lượng chức năng bỏ cuộc, hôm sau chủ thuyền lấy tre đóng một bè lớn, kéo thuyền lên rồi tiếp tục hành trình hút cát.
Đoạn ngòi Giành chảy qua xã Tiên Lương dài khoảng 12 km, nhưng có khoảng 6 km thuộc khu vực ngòi Giành thường xuyên có khoảng 15 thuyền hút cát. Hàng trăm người dân xót xa vì những diện tích đất màu của họ bị nước cuốn trôi, còn chủ thuyền thì lại càng thêm nhiều cát để hút...
Ông Nguyễn Hán Sơn, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê cho biết, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là đưa một công ty vào đó khai thác nhưng phải chờ cho tới khi có doanh nghiệp được cấp trên cho phép khai thác thì sẽ không còn tình trạng “cát tặc” như hiện nay. Theo ông Sơn, sau khi có doanh nghiệp vào khai thác thì doanh nghiệp đó phải có nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước, phải xây dựng kè để đảm bảo không bị sạt lở đất màu của người dân... Huyện đã đề nghị với tỉnh sớm đưa vào quy hoạch, sau đó khảo sát, thăm dò trữ lượng rồi cho tiến hành khai thác, kiên quyết không để tình trạng “cát tặc” lộng hành như hiện nay...
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cần sớm có giải pháp giải quyết triệt để vấn nạn "cát tặc" trên để tránh những việc đáng tiếc xảy ra.
Thái Hùng - Tạ Văn Toàn