Dụng cụ kích điện đánh cá trái phép bị thu giữ tại kho Phòng Cảnh sát môi trường, công an tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Nhan Sinh/TTXVN |
Sau khi các cơ quan thông tin đại chúng phản ánh tình trạng đánh bắt thủy sản bằng xung điện trên hồ Hòa Bình, Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình đã ra Công văn số 1581-CV/VPTU, ngày 14/4/2017 giao cho Công an tỉnh chỉ đạo, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành vi đánh bắt thủy sản trái phép, làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, từ tháng 5/2017 các ngành công an, thủy sản phối hợp với chính quyền các xã ven hồ tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân không dùng chất nổ, chất độc, dùng xung điện đánh bắt thủy sản. Tổ công tác tiến hành rà soát, xác định 298 đối tượng có biểu hiện nghi vấn sử dụng xung điện, 6 đối tượng nghi vấn sử dụng chất nổ đánh bắt thủy sản trái phép và đưa vào diện quản lý.
Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hòa Bình đã cử cán bộ, chiến sỹ xuống các xóm Xăng Trạch, Nưa, Bờ thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, một điểm “nóng” đánh bắt cá bằng xung điện để tuyên truyền, vận động 170 hộ dân ký cam kết thực hiện.
Ông Bùi Văn Kỳ - Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa chia sẻ: Hộ nào còn tàng trữ, không giao nộp dụng cụ kích điện sẽ không đưa vào diện bình xét gia đình văn hóa hàng năm, đồng thời xã cũng tạm dừng hỗ trợ kinh tế của các dự án cho hộ đến khi không đánh bắt thủy sản có tính chất hủy diệt môi sinh.
Bằng các biện pháp trên, đến nay đã có 26 hộ tự giác giao nộp bình ắc quy, công cụ kích điện công suất lớn, 4 hộ tự thiêu hủy bộ kích điện. Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp với cảnh sát môi trường tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý 6 vụ dùng kích điện, 2 vụ dùng thuốc nổ đánh bắt thủy sản trái phép, tịch thu 4 bộ kích điện, 2 ắc quy, 2 mô tơ phát điện, 1 thuyền sắt có gắn động cơ và xử phạt 12 triệu đồng.
Đại tá Phạm Văn Sử, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đánh giá, tình trạng đánh bắt thủy sản trên sông Đà bằng kích điện, chất nổ, hóa chất bước đầu đã được ngăn chặn.
Để bảo vệ lâu dài và bổ sung nguồn lợi thủy sản cho hồ đạt hiệu quả, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, xử lý nghiêm mọi trường hợp đánh bắt thủy sản trái phép, sai quy định, các huyện cần có cơ chế, chính sách chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm ổn định cho nhân dân các xã vùng hồ sông Đà.