Sau khi đền bù về đất đai và hoa màu, Dự án thủy điện Đăkđrinh tiếp tục hỗ trợ tiền chuyển đổi nghề nghiệp cho đồng bào dân tộc ở 2 xã Sơn Dung và Sơn Liên, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Lợi dụng nhận thức của đồng bào dân tộc còn hạn chế, một số tư thương ở địa phương đã gạ gẫm, lừa gạt của những người được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng.
Lãnh đạo huyện Sơn Tây chỉ đạo các ngành chức năng ngăn chặn kịp thời hành vi trên, trả lại tiền cho người dân.
Theo quy hoạch Dự án thủy điện Đăkđrinh, có 178 hộ dân thuộc 2 xã Sơn Dung và Sơn Liên nằm trong diện được chi trả tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp với số tiền trên 40 tỷ đồng. Các tư thương biết số tiền Nhà nước chi hỗ trợ là khá lớn nên gạ gẫm để ứng trước cho các hộ được nhận tiền hỗ trợ là 10 triệu đồng, nếu sau đó số tiền được hỗ trợ là trên 10 triệu đồng thì chúng được hưởng, còn dưới 10 triệu đồng thì chúng chịu. Thông qua việc hỗ trợ theo diện tích đất bị thu hồi, nhiều người dân được hỗ trợ từ 150 triệu đến 700 triệu đồng, toàn bộ số tiền chênh lệch này rơi vào tay một số tư thương. Theo kết quả điều tra ban đầu, đã có 35 hộ dân bị mắc chiêu lừa này.
Chúng tôi đến nhà anh Đinh Văn Ốc ở xã Sơn Dung, một trong nhiều gia đình bị các tư thương lừa gạt theo kiểu “lời ăn, lỗ chịu” như trên. Gia đình anh Ốc có một ha đất nằm trong Dự án thủy điện Đăkđrinh. Năm 2007, khi dự án triển khai, gia đình anh được đền bù tiền đất đai và hoa màu với số tiền 120 triệu đồng. Năm 2010, Dự án thủy điện Đăkđrinh có chính sách hỗ trợ tiền đất để phục vụ việc chuyển đổi nghề nghiệp, gia đình anh Đinh Văn Ốc được nhận thêm số tiền 160 triệu đồng.
Tuy nhiên, do không nắm được thông tin và qui định nên trước khi chủ dự án thủy điện hỗ trợ thì có người đến hỏi mua và trả ngay cho gia đình anh 10 triệu đồng. Những người mua cho rằng, nếu nhà nước hỗ trợ trên 10 triệu đồng thì họ được hưởng, còn nếu hỗ trợ dưới 10 triệu đồng thì họ chịu lỗ. Anh Đinh Văn Ốc cho biết: "Sau khi tôi biết được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp trên diện tích đất bị thu hồi 160 triệu đồng, tôi rất tiếc vì đã bán cho người ta. Ở xã này nhiều người cũng bán như tôi". Từ gia đình anh Ốc, vụ việc trên lan ra khắp xã, huyện. Khi biết thông tin, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc điều tra làm rõ, trả lại tiền cho người dân.
Đại úy Nguyễn Văn Chiến, Phó Đội Trưởng Đội Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết: Được sự chỉ đạo của Thường trục Huyện ủy và UBND huyện, lực lượng công an đã vào cuộc, phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành giải quyết, trả lại tiền cho người dân đồng thời vận động bà con gửi vào ngân hàng. Sau khi giải quyết, trong 35 trường hợp phát hiện, bà con đã gửi vào ngân hàng gần 10 tỷ đồng, công an và chính quyền địa phương giúp dân quản lý số tiền hỗ trợ để chuyển đổi nghề hoặc phát triển sản xuất, ngăn chặn các tư thương đến đòi tiền của người bán để lấy tiền chênh lệch.
Từ thực tế trên, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi và huyện Sơn Tây cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ đến người dân, ngăn chặn kịp thời tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết để lừa gạt bà con, góp phần giữ vững an ninh trật tư, tạo điều kiện cho bà con yên tâm phát triển kinh tế, sớm ổn định cuộc sống sau khi di dời ra khỏi khu vực lòng hồ.
Nguyễn Đăng Lâm