Tái diễn tình trạng khai khác cát trái phép
Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng đã phát hiện 45 vụ khai thác cát trái phép, trong đó có 32 vụ xảy ra ở huyện Cần Giờ. Sau một thời gian tạm lắng, hàng loạt sà lan lại tiếp tục bơm hút nạo vét với cường độ cao tại khu vực Cồn Ngựa, Cần Giờ.
Lực lượng biên phòng TP Hồ Chí Minh kiểm tra phương tiện khai thác cát trái phép bị thu giữ trên vùng biển Cần Giờ hồi tháng 6.
|
Mới đây vào ngày 30/10, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cần Thạnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện và bắt giữ 4 sà lan đang bơm hút cát trái phép tại khu vực Cồn Ngựa, huyện Cần Giờ. Tại thời điểm kiểm tra, bên trong khoang chứa của các sà lan có trên 1.000 m3 cát biển đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc cũng như các loại giấy tờ liên quan đến hoạt động vận chuyển và khai thác cát.
Tại cơ quan chức năng, các chủ sà lan đều khai chỉ là người vận chuyển thuê và cho rằng không biết việc mình làm là vi phạm pháp luật. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện để điều tra xử lý theo quy định. Theo Trung tá Lê Văn Hưng, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Long Hòa, huyện Cần Giờ, để bắt quả tang các đối tượng khai thác cát trái phép, lực lượng chức năng đã phải mật phục trong đêm, rất vất vả.
Đề cập việc vận chuyển cát được khai thác trái phép, nhiều người dân tại các huyện Cần Giờ, Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh) tỏ ra bức xúc: Số cát được khai thác trái phép được vận chuyển qua đường sông rất công khai, nhưng tại sao lực lượng chức năng không phát hiện, xử lý. Ông Nguyễn Nam Khánh, một người dân ở Cần Giờ cho biết, tàu chở cát ồ ạt vào hướng thành phố, chạy sát bên tàu của ông. Dường như sau những đợt kiểm tra liên ngành của các cơ quan chức năng, mọi việc lại “đâu vào đấy”.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Từ đầu năm đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện, xử lý 21 vụ khai thác cát trái phép, bắt giữ 40 đối tượng. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý các vụ khai thác cát trái phép không chỉ là trách nhiệm của riêng lực lượng Bộ đội Biên phòng, mà còn có Cảnh sát giao thông đường thủy, Cảng vụ hàng hải và chính quyền huyện Cần Giờ.
Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng công tác phối hợp tổng lực của các đơn vị chức năng trong việc tuần tra định kỳ hoặc đột xuất thời gian qua chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, hầu hết các vụ việc bị bắt giữ đều chưa thể khởi tố do vướng quy định pháp luật. Đối với các vụ đã bị bắt quả tang, lực lượng chức năng chỉ xử lý hành chính còn nếu muốn xử lý hình sự thì phải chứng minh được hành vi đó gây hậu quả nghiêm trọng.
Thượng tá Trần Thanh Đức, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sự phối hợp trong công tác tuần tra kiểm soát đối với các phương tiện này khi vừa vào Thành phố Hồ Chí Minh hoặc từ thành phố đi các tỉnh còn thiếu chặt chẽ. Quan điểm của Bộ đội biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh là phải kiên quyết xử lý những cá nhân, tổ chức có biểu hiện dung túng, bao che, "làm ngơ" cho các đối tượng khai thác cát trái phép tiếp tục hoạt động. Để làm tốt công việc này, không chỉ có lực lượng biên phòng mà rất cần sự chung tay của nhiều lực lượng.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, UBND thành phố sẽ giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm trong khai thác cát. UBND thành phố cũng sẽ xem xét đề xuất lập chốt canh gác trực ngoài biển ở khu vực Cồn Ngựa. Vị trí khai thác cát trái phép cách bờ 20 km nên những vị trí trọng điểm phải có chốt kiểm tra, canh giữ.
Ngoài ra, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, Cảng vụ hàng hải và UBND các tỉnh, thành phố trong công tác quản lý, giám sát hoạt động các dự án nạo vét tuyến, luồng hàng hải, nạo vét cảng biển… nhằm phân rõ quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan liên quan.