Theo người dân xã Mỹ Tân, trước đây hoạt động khai thác cát trên sông Hồng đoạn qua địa bàn xã diễn ra khá nhộn nhịp. Những lúc cao điểm có hàng chục tàu hút cát hoạt động cả ngày lẫn đêm khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. Đã có lúc người dân phải dùng gạch, đá để xua đuổi các tàu cát.
Sau khoảng 1 năm trầm lắng, từ đầu năm 2017 tới nay, hoạt động hút cát lại diễn ra. Bà Nguyễn Thị Nghiên, thôn Hồng Hà 1, xã Mỹ Tân cho biết: Gần đây xuất hiện nhiều tàu hút cát công suất lớn hoạt động từ sáng sớm đến khoảng 9 giờ. Nhiều tàu vào sát bờ để hút cát gây sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng đến hoa màu của người dân.
Còn theo ông Đỗ Quý Lợi, Bí thư Chi bộ thôn Hồng Hà 1, sông Hồng hiện nay được chia làm đôi, một nửa thuộc Nam Định quản lý còn một nửa bên kia tỉnh Thái Bình quản lý, trên sông đã có phao ngăn cách. Tuy nhiên, các tàu hút cát thường lợi dụng lúc đêm tối ít người qua lại để dịch chuyển phao và lấn sang lòng sông bên phía tỉnh Nam Định để khai thác cát. Nhiều nhà đã bị nứt tường, thậm chí nứt mái.
Tỉnh Thái Bình đã cấp phép khai thác cát tại khu vực sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Thái Bình nhưng tỉnh Nam Định chưa cho phép. Ban ngày lúc người dân làm màu và đông thuyền bè qua lại, các tàu hút cát từ giữa sông đổ về phía tỉnh Thái Bình nhưng lợi dụng lúc đêm và sáng sớm các tàu lại chuyển sang phía bên sông tỉnh Nam Định quản lý để hút cát.
Ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc thừa nhận, thời gian gần đây trên sông Hồng, đoạn qua địa bàn xã xuất hiện nhiều tàu hút cát công suất lớn hoạt động vào lúc sáng sớm và chiều tối. Một số tàu thường xuyên lấn sang địa bàn xã quản lý để khai thác trộm. Tuy nhiên địa phương khó khăn trong công tác xử lý do không có phương tiện đường thủy chuyên dụng để kiểm tra; khi nhận được tin báo của quần chúng tới nơi thì các tàu hút trộm cát đã chạy về phía tỉnh Thái Bình.
Trước tình trạng trên, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Nam Định đã tăng cường kiểm tra, tạm giữ phương tiện khai thác, xử phạt hành chính các chủ máy khai thác cát. Tuy nhiên vì ranh giới trên sông khó xác định nên việc xử lý hành chính cũng chỉ là giải pháp tạm thời, xử lý xong đâu lại vào đó do lợi nhuận từ hoạt động khai thác cát lớn nên các đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn để khai thác trái phép.
Trung tá Phạm Vũ Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Nam Định cho biết: Từ đầu năm 2018 tới nay, trên tuyến sông Hồng, lực lượng đã phát hiện, đề xuất xử lý 8 trường hợp hút cát trái phép. Để bảo đảm an ninh trật tự, lực lượng Cảnh sát đường thuỷ Nam Định sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp hút cát trái phép cũng như các đơn vị núp bóng nạo vét để khai thác cát.