Mới được 2 ngày tuổi, bé Phạm Văn Trường đã bị một người phụ nữ mặc áo blouse bắt cóc ngay tại phòng bệnh số 6, khoa sản II, Bệnh viện (BV) Phụ sản TƯ, lúc hơn 10 giờ ngày 3/11.
Nhân viên y tế thiếu trách nhiệm
“... Tôi chỉ mong... cơ quan điều tra sớm tìm được con về cho tôi thôi...”, chị Trần Thị Thơm (quê Hưng Yên), mẹ của bé Trường, nức nở khóc và nói ngắt quãng không thành lời.
Chị Thơm, mẹ của cháu bé nghi bị bắt cóc kể lại sự việc. Ảnh Internet. |
Còn khá đau và mệt sau ca mổ đẻ ngày 1/11, đặc biệt là phải trải qua nỗi kinh hoàng vì cậu con trai bé bỏng bị bắt cóc nên chị Thơm gần như kiệt sức, nằm lả trên giường bệnh. Phải rất cố gắng, chị Thơm mới có thể thuật lại sự việc: “Tôi nhập viện ngày 1/11. Đến 21 giờ cùng ngày, tôi sinh bé trai nặng 3,4 kg bằng phương pháp mổ đẻ. Gia đình tạm đặt tên cho cháu là Phạm Văn Trường. Buổi sáng 3/11, tôi được thông báo hôm nay sẽ đưa cháu đi lấy máu xét nghiệm, nên lúc hơn 10 giờ, gia đình mới đưa bé cho một người phụ nữ khoảng 25 - 30 tuổi mặc áo blouse trắng, đeo thẻ và đội mũ xanh...”.
“Sau khi vị cán bộ y tế kia bế cháu đi, tôi và mẹ cháu đợi hơn một tiếng vẫn không thấy người ta mang trả lại cháu nên đã đi hỏi thăm khắp nơi. Nhưng ở đâu cũng trả lời: “Yên tâm đi, không ai lấy mất con đâu mà sợ”. Xuống cả khu xét nghiệm thì cửa đóng im ỉm nên tôi phải bấm chuông hỏi bác sỹ, nhưng họ cũng chỉ nói qua loa là cứ về phòng nằm, khi nào xong sẽ trả cháu về với mẹ”, chị Trần Thị Dịu, em ruột và cũng là người trực tiếp chăm sóc chị Thơm, nhạt nhòa nước mắt tiếp lời.
Đến 13 giờ thì gia đình chị Thơm không thể chờ đợi hơn được, yêu cầu BV trả lại cháu để mẹ cháu cho bú bởi suốt từ 10 giờ cháu Trường chưa hề được cho ăn. Lúc này, các bác sỹ mới vội vã đi tìm và tá hỏa phát hiện ra rằng không có ai đưa cháu Trường đi xét nghiệm cả.
“Như mọi em bé khác, bé Trường có chỉ định được làm xét nghiệm phát hiện bệnh rối loạn chuyển hóa bằng lấy máu gót chân vào sáng 3/11. Thông thường sau khi tắm bé xong, các nhân viên y tế sẽ bế các cháu lấy máu gót chân làm xét nghiệm ngay tại phòng tắm bé. Nhưng phòng số 6, nơi mẹ con bé Trường nằm, là phòng các cháu bé được tắm sau cùng nên các y tá, hộ lý giữ bé lại để lấy máu luôn. Lúc 10 giờ 15 phút, bé Trường đã được trả về giường. Sơ xuất của nhân viên chúng tôi là nói không rõ cho mẹ cháu biết cháu đã được lấy máu xét nghiệm rồi”, BS Trần Thị Tuyết Lan, Trưởng Khoa sản II, phân trần.
Quy trách nhiệm: Chờ kết luận điều tra
“Vậy trách nhiệm cán bộ BV như thế nào khi thời gian bé Trường bị mang đi là giờ hành chính, Khoa sản II khóa cửa, chỉ có cán bộ BV có chìa khóa mở và không có người nhà bệnh nhân vào trong giờ làm việc? Tại sao các cán bộ y tế biết là cháu đã đi xét nghiệm mà khi gia đình đi tìm cháu vẫn kịp thời giải thích các thông tin về cháu?”, ông Vũ Đức Toàn, ông của bé Trường chất vấn đại diện BV Phụ sản TƯ tại buổi làm việc với gia đình sáng 4/11.
Trả lời vấn đề này, ông Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc BV, khẳng định: “Chúng tôi nhận trách nhiệm. Sau sự việc này, nhất định BV sẽ kiện toàn công tác quản lý BV, kiểm điểm những trường hợp có lỗi. Tuy nhiên, phải chờ đến khi có kết luận của công an thì mới có thể quy trách nhiệm và đưa ra những biện pháp quản lý cụ thể. BV đã và đang phối hợp, đáp ứng mọi yêu cầu điều tra của cơ quan công an nhằm sớm sáng tỏ vụ trọng án này”.
Một đại diện cơ quan công an cũng khẳng định: “Hiện tại, cơ quan công an đang tập trung rất nhiều lực lượng điều tra nhằm có thể tìm được cháu bé và trao trả về cho gia đình trong thời gian sớm nhất”.
Không thỏa mãn trước cách giải thích của đại diện Ban Giám đốc BV Phụ sản TƯ, ông Vũ Đức Toàn nói: “Một bộ phận cán bộ của BV rõ ràng thiếu tinh thần trách nhiệm, thờ ơ với nỗi lo lắng của gia đình bệnh nhân. Tại sao lại không giải thích rõ cho sản phụ là cháu đã được xét nghiệm rồi? Biết là cháu đã đi xét nghiệm thì khi thấy gia đình lo lắng đi tìm vì nghĩ cháu đi xét nghiệm quá lâu, nhân viên y tế phải có trách nhiệm giải thích và đi tìm cháu bé ngay chứ. Giá mà họ quan tâm đến người bệnh, có lẽ sự việc đã không trở nên đáng tiếc như vậy”.
Việc bé Trường bị bắt cóc ra sao, trách nhiệm của cán bộ BV Phụ sản TƯ trong vụ việc này đến đâu phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan công an. Song, rõ ràng đã đến lúc BV Phụ sản TƯ nói riêng và ngành y nói chung cần có những biện pháp mạnh hơn để xử lý những vi phạm về y đức trong các cơ sở y tế. Bởi lẽ, đây không phải là lần duy nhất trong năm 2011 này tại BV Phụ sản TƯ xảy ra tình trạng cán bộ y tế thiếu chia sẻ, giải thích không rõ ràng cho người bệnh nên gây ra vấn đề đáng tiếc (tháng 8/2011, tại BV này cũng xảy ra “nghi án” tiêm nhầm thuốc khiến sản phụ sinh non, đại diện BV cũng nhận lỗi là không giải thích rõ bệnh tình cho bệnh nhân). Ngoài ra, các BV cũng cần phải tăng cường công tác quản lý, giám sát các hoạt động hàng ngày nhằm tránh những vụ việc đáng tiếc tương tự có thể tái diễn.
Phương Liên