Nghi phạm bắt cóc cháu bé ở Bắc Ninh sẽ bị xử lý như thế nào?

Lực lượng công an tỉnh Bắc Ninh, Tuyên Quang vừa giải cứu an toàn cháu bé hơn 2 tuổi bị “mẹ mìn” bắt cóc khiến dư luận vỡ òa trong niềm vui xúc động; đồng thời bày tỏ sự căm phẫn đối với nghi phạm Nguyễn Thị Thu sinh năm 1988, trú tại xóm 16, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cùng người “chồng hờ” Đặng Văn Bằng.

Chú thích ảnh
Trong vụ bé trai 2 tuổi bị bắt cóc tại Bắc Ninh, thủ phạm Nguyễn Thị Thu khai bắt cháu về để nuôi. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN.

Hiện nay, các đối tượng đã được di lý. Công an tỉnh Bắc Ninh tiếp tục điều tra làm rõ hành vi bắt cóc trẻ em, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo thông tin ban đầu, đối tượng Nguyễn Thị Thu khai nhậnĐể chồng “hờ” không nghi ngờ việc bị hỏng thai nên Thu đã bắt cóc cháu Gia Bảo để nhận làm con mình.

Theo lời khai của Nguyễn Thị Thu, trước đó, Thu từng đi tập thể dục tại Công viên Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bắc Ninh và thấy có nhiều trẻ nhỏ đang chơi. Nảy sinh ý định bắt trẻ con, 17 giờ ngày 21/8, Thu đến công viên Nguyễn Văn Cừ, thấy cháu Nguyễn Cao Gia Bảo đang chơi một mình, Thu liền rủ cháu bé theo, sau đó sử dụng xe máy chở cháu bé về khu nhà trọ tại phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh. Sáng sớm 22/8, Thu mang theo cháu Nguyễn Cao Gia Bảo và cùng bạn trai là Đặng Văn Bằng di chuyển về Tuyên Quang. Đến trưa cùng ngày, cả hai đối tượng và cháu Gia Bảo đến xóm 16, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức sáng 23/8, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư thành phố Hà  Nội) cho hay: Dưới góc độ pháp lý, hành vi đưa cháu bé rời khỏi sự quản lý của bố mẹ mà không được sự đồng ý đã cấu thành tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự (BLHS).

“Hành vi phạm tội của đối tượng là nghiêm trọng, không những đã xâm phạm đến quyền được chăm sóc, nuôi và sống chung với cha mẹ, quyền được bảo vệ của trẻ em mà còn gây tâm lý hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân. Vì vậy, cần thiết phải xử lý nghiêm hành vi này theo quy định của pháp luật để làm gương cho những kẻ đã và đang có ý định phạm tội”, luật sư Nguyễn Anh Thơm nhấn mạnh.

             Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; d) Đối với từ 2 người đến 5 người; đ) Phạm tội 2 lần trở lên; e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Đối với 6 người trở lên; c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; d) Làm nạn nhân chết; đ) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Minh Phương/Báo Tin tức
Vụ bé trai 2 tuổi bị bắt cóc tại Bắc Ninh: Thủ phạm khai bắt cháu về để nuôi
Vụ bé trai 2 tuổi bị bắt cóc tại Bắc Ninh: Thủ phạm khai bắt cháu về để nuôi

Nguyễn Thị Thu khai, ngày 20/8, Thu nảy sinh ý định muốn bắt một em bé về để nuôi. Do đó, 17 giờ, ngày 21/8, Thu đến công viên Nguyễn Văn Cừ, thấy cháu Nguyễn Cao Gia Bảo đang chơi một mình, Thu liền rủ cháu bé theo...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN