Theo cáo trạng, năm 2004, huyện Đức Cơ thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng phục vụ dự án xây dựng mở rộng Nghĩa trang liệt sỹ huyện. Năm 2010, Hội đồng giải phóng mặt bằng ngừng hoạt động, giải thể.
Năm 2012, UBND huyện giao Phòng Tài chính - Kế hoạch mua sắm thiết bị cho Đài tưởng niệm Nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có chuyến công tác đi đến Huế, Đà Nẵng để xem chuông đồng, hạc đồng… Chuyến đi có ông Nguyễn Xuân Tứ (thời điểm đó là Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện) và một số lãnh đạo UBND huyện.
Để có tiền phục vụ đoàn công tác, ông Nguyễn Hồng Lam (lúc đó là Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch) và ông Tứ đã bàn bạc tạm ứng ngân sách huyện 524 triệu đồng thông qua Hội đồng giải phóng mặt bằng (lúc này Hội đồng giải phóng mặt bằng đã giải thể).
Ông Tứ đã làm lệnh chi tiền để trình ông Lam ký với tư cách Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, giao Nguyễn Đông Dương (khi đó là Kế toán trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch) rút tiền. Sau đó, huyện Đức Cơ đã xuất ngân sách cấp 1,2 tỷ đồng cho Phòng Tài chính - Kế hoạch thanh toán chi phí mua sắm thiết bị cho Đài tưởng niệm Nghĩa trang liệt sỹ, trong đó có quyết toán số 524 triệu đồng.
Vì số tiền 524 triệu đồng là tiền chiếm dụng nên UBND huyện Đức Cơ tự ban hành Quyết định số 42 xuất ứng ngân sách chi cho Hội đồng giải phóng mặt bằng, thực chất là mục đích lấy tiền chi cho đoàn công tác.
Đến năm 2019, Thanh tra tỉnh đã ra Quyết định thanh tra về việc quản lý, sử dụng ngân sách để chi trả thanh lý cây cao su, giao đất tái định cư cho các hộ gia đình nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng xây dựng mở rộng Nghĩa trang liệt sỹ huyện Đức Cơ.
Thanh tra tỉnh phát hiện Quyết định số 42 chỉ là bản Quyết định photo copy, không có bản gốc. Để cung cấp bản gốc cho đoàn Thanh tra tỉnh, ông Nguyễn Xuân Tứ đã cho người đánh máy lại bản photo copy của Quyết định số 42. Ông Tứ đến nhà ông Huỳnh Cân, nguyên Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện nhờ ký nháy vào, sau đó photo chữ ký của ông Võ Thanh Hùng (Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ thời điểm 2012, nay là Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai) dán vào và lấy dấu tròn của UBND huyện Đức Cơ đang sử dụng năm 2019 đóng dấu vào quyết định mới, làm giả Quyết định số 42 gốc thời điểm năm 2012.
Nhận thấy hành vi của các đối tượng có dấu hiệu tội phạm và quyết định có dấu hiệu bị làm giả, ngày 2/10/2019, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị và chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, xử lý theo quy định.
Sau quá trình điều tra, cơ quan chức năng kết luận: Vì muốn sử dụng tiền của ngân sách nhà nước để chi tiêu cho mục đích cá nhân hoặc giúp đồng phạm thực hiện mục đích này, ông Lam, Tứ, Dương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tạm ứng số tiền 524 triệu đồng từ nguồn ngân sách nhà nước thông qua Hội đồng giải phóng mặt bằng huyện Đức Cơ. Sau đó, những người này đã rút số tiền trên để sử dụng mục đích cá nhân.
Ngày 8/1/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã khởi vụ án, khởi tố bị can, bắt giam giam ngay tại phòng làm việc ở trụ sở UBND huyện Đức Cơ đối với Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ; Nguyễn Xuân Tứ, Chánh văn phòng HĐND - UBND huyện. Đến tháng 6/2020, ông Tứ bị khởi tố bổ sung thêm tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Tháng 9/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đề nghị truy tố các bị can Nguyễn Hồng Lam, Nguyễn Xuân Tứ, Nguyễn Đông Dương ra trước tòa để xử lý theo quy định.
Ngày 30/10, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã có quyết định đưa vụ án "tham ô tài sản", "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" ra xét xử sơ thẩm đối với các bị can Nguyễn Hồng Lam, Nguyễn Xuân Tứ, Nguyễn Đông Dương. Tuy nhiên, do vắng mặt một số người liên quan, đặc biệt là 2 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Lam nên việc xét xử tạm hoãn. Đến ngày 17-18/12 vụ án xét xử sơ thẩm được mở lại.