Ngày 27/11, phiên sơ thẩm xét xử “đại án” tham nhũng xảy ra tại Công ty Cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Công ty Cổ phần Vifon) đã kết thúc sau 1 tuần xét xử và nghị án. Các bị cáo trong vụ án tham nhũng. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN |
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Thanh Huyền (sinh năm 1955, Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Vifon 20 năm tù về tội “Tham ô tài sản”, 15 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp chung là 30 năm tù.
Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bi (sinh năm 1949, Quảng Bình), nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Vifon 15 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, 7 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp chung là 22 năm tù.
Cùng tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, bị cáo Dương Thị Mẫn (sinh năm 1947, Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên Kế toán thanh toán và Ka Thị Thu Hồng (sinh năm 1957, Thành phố Hồ Chí Minh) nguyên Thủ quỹ Công ty Cổ phần Vifon cùng lĩnh 7 năm tù; bị cáo Đàm Tú Liên (sinh năm 1961, Thành phố Hồ Chí Minh), nguyên Kế toán trưởng lĩnh 8 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử đã tuyên buộc Nguyễn Thanh Huyền phải bồi thường cho nguyên đơn dân sự là Bộ Công thương 9,8 tỉ đồng và bồi thường cho Công ty Cổ phần Vifon 1,3 tỉ đồng; Nguyễn Bi phải bồi thường cho Công ty Cổ phần Vifon 2,283 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, về cơ bản các bị cáo đều thừa nhận hành vi sai trái, chỉ có Nguyễn Thanh Huyền và Nguyễn Bi đưa ra nhiều lý do để bao biện cho sai phạm của mình.
Theo Hội đồng xét xử, trong vụ án này, Nguyễn Thanh Huyền giữ vai trò chủ mưu, tổ chức thực hiện, giúp sức cho Nguyễn Bi chiếm hưởng 2,283 tỉ đồng. Các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm với Nguyễn Bi, tạo điều kiện để Nguyễn Thanh Huyền và Nguyễn Bi chiếm đoạt tiền của Công ty Cổ phần Vifon thời điểm 100% vốn Nhà nước.
Hội đồng xét xử nhận định: Đây là vụ án tham nhũng điển hình của doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn cổ phần hóa, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, do các bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn về hành vi sai trái của mình, đã khắc phục một phần lớn hậu quả cũng như có khả năng khắc phục hết hậu quả, có thành tích công tác nên được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Trần Xuân Tình