Đề nghị mức án nghiêm khắc đối với những bị cáo cầm đầuCụ thể, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank) bị Viện Kiểm sát đề nghị phạt từ 16-18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, phạt tù chung thân về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, hình phạt tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp buộc bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phải chấp hành hình phạt chung là tử hình.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương – Oceanbank đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị OceanBank) bị đề nghị phạt từ 19-20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, từ 18-20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, 20 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, chung thân về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp buộc bị cáo Hà Văn Thắm phải chấp hành hình phạt chung là chung thân.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) bị đề nghị phạt từ 14-15 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, 10-12 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp buộc bị cáo Nguyễn Minh Thu phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 24-27 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn Thu (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) bị đề nghị tổng hợp hình phạt chung là 20-24 năm tù về hai tội: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Phạm Công Danh bị đề nghị từ 16-17 năm tù; bị cáo Hứa Thị Phấn bị đề nghị mức án 17-18 năm tù; Trần Văn Bình bị đề nghị mức án 5-6 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Tổng hợp với bản án sơ thẩm ngày 9/9/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xử phạt Trần Văn Bình 4 năm tù và bản án sơ thẩm ngày 24/1/2017 của Tòa án cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt Phạm Công Danh 30 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, buộc bị cáo Phạm Công Danh phải chấp hành hình phạt chung đối với cả 2 bản án là 30 năm tù, bị cáo Trần Văn Bình từ 9-10 năm tù.
Các bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 11-12 năm tù đến mức 18-24 tháng tù treo.
Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo: Hà Văn Thắm, Nguyễn Minh Thu, Nguyễn Xuân Sơn, Lê Thị Thu Thủy, Vũ Thị Thùy Dương, Đỗ Đại Khôi Trang, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Hoài Nam liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho OceanBank số tiền 1.576 tỷ đồng chi lãi suất ngoài trái quy định và cộng trừ các khoản tiền khác liên quan.
Riêng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị truy thu sung quỹ Nhà nước hơn 67 tỷ đồng tiền thu phí của khách hàng mà Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt; đồng thời phải bồi thường cho OceanBank số tiền đã chiếm đoạt từ nguồn thu phí và chi lãi ngoài là gần 200 tỷ đồng và bồi thường cho PVN hơn 49 tỷ đồng. Buộc bị cáo Hứa Thị Phấn hoàn trả số tiền vay đã chiếm hưởng 500 tỷ đồng cùng với số lãi theo quy định cho OceanBank.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn thách thức những giới hạn luật phápTrong bản luận tội, Viện Kiểm sát nhận định: Xuất phát từ động cơ tư lợi cá nhân, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chi phối, yêu sách, áp đặt và chỉ đạo bị cáo Hà Văn Thắm thực hiện việc thu phí, chi lãi suất ngoài trái pháp luật nhằm mục đích trục lợi, qua đó bị cáo đã nhận và chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Hành vi đó của bị cáo đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, tài sản của OceanBank, ảnh hưởng tiêu cực đến chủ trương, chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và vị thế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), một trong những Tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn hàng đầu Việt Nam, gây tâm lý phẫn nộ, bất bình trong dư luận xã hội và quần chúng nhân dân.
Hành vi phạm tội của bị cáo diễn ra liên tục, trong một thời gian dài, gần như công khai. Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa chưa thành khẩn khai báo, quanh co chối tội, không thừa nhận hành vi chiếm đoạt của mình, đưa ra những lý lẽ mang tính ngụy biện nhằm trốn tránh trách nhiệm của bản thân, không có ý thức khắc phục hậu quả thiệt hại. Điều đó cho thấy thái độ coi thường pháp luật, thách thức những giới hạn luật pháp của bị cáo.
Bởi vậy cần thiết phải xử lý thật nghiêm khắc theo các khung hình phạt tương ứng đã truy tố nhằm đảm bảo cho việc răn đe, phòng ngừa tội phạm, đáp ứng yêu cầu công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay. Đó cũng là đòi hỏi của công lý và là nguyện vọng của nhân dân.
Viện Kiểm sát cũng đã xét các tình tiết giảm nhẹ cho thấy, quá trình công tác, bị cáo Sơn có nhiều thành tích đóng góp cho ngành Dầu khí, được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bản thân chưa có tiền án, tiền sự, nhưng từng đó là không đủ so với những vi phạm mà bị cáo đã gây ra như đề cập ở trên.
Đối với bị cáo Hà Văn Thắm, Viện Kiểm sát cho rằng: Trong hành vi chi lãi ngoài cho khách hàng, bị cáo là người chủ mưu, khởi xướng và chỉ đạo toàn hệ thống OceanBank thực hiện, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn cho OceanBank, gây ảnh hưởng xấu đến chủ trương, chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước. Bị cáo Hà Văn Thắm là người giúp sức tích cực, tiếp tay cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tham nhũng, sẵn sàng thực hiện chi tiền mỗi khi Nguyễn Xuân Sơn yêu cầu.
Còn bị cáo Nguyễn Minh Thu biết rõ việc thu phí thông qua Công ty BSC và việc chi lãi ngoài là trái pháp luật nhưng vẫn tiếp nhận chỉ đạo của Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn để triển khai thực hiện với số tiền đặc biệt lớn.
Đối với 34 bị cáo là giám đốc chi nhánh, trưởng phòng giao dịch và bị cáo Nguyễn Trà My, mặc dù nhận thức rõ việc chi lãi ngoài là trái pháp luật nhưng vẫn thực hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên, gây thiệt hại lớn cho OceanBank. Tuy nhiên, quá trình điều tra và tại phiên tòa đã khai báo thành khẩn, các bị cáo đều là người làm công, không được hưởng lợi, có ý thức tích cực thu hồi tài sản hoặc tự nguyện nộp tiền để khắc phục hậu quả. Do vậy, cần xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật và không buộc trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.