Nhận diện những nguy cơ làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp

Rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để nhận diện những nguy cơ làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp của tòa án, qua đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là nội dung chính của Hội thảo "Hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp để góp phần đảm bảo lợi ích cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam".

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN

Hội thảo do Ban Nội chính Trung ương và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức sáng 24/3 tại Hà Nội.

Khai mạc hội thảo, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương nêu rõ phòng, chống tiêu cực, tham nhũng nói chung và trong hoạt động tư pháp nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp của ngành tòa án càng trở nên quan trọng và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp. Những hành vi tiêu cực có thể tạo ra rào cản, làm phát sinh chi phí hoặc làm mất cơ hội của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ hiện nay, bên cạnh những cơ hội đầu tư, kinh doanh thuận lợi thì các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động của các doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp với các tổ chức, cá nhân, pháp nhân, nhất là các tranh chấp có yếu tố nước ngoài sẽ không ngừng tăng lên về số lượng với tính chất, mức độ phức tạp hơn.

Cùng với đó là nguy cơ phát sinh các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động của tòa án nói riêng đối với quá trình giải quyết tranh chấp, cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, đòi hỏi phải có các biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, cùng với nhiệm vụ cải cách về tổ chức, phải quan tâm cải cách về hoạt động hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, của các doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm pháp lý của các cán bộ có chức danh tư pháp trong hoạt động tố tụng.

Trợ lý Giám đốc UNDP tại Việt Nam Dennis Curry nhấn mạnh, minh bạch là yếu tố quan trọng và xuyên suốt trong phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, xây dựng khung pháp lý mạnh và rõ ràng, tránh những lỗ hổng pháp lý và việc áp dụng công nghệ để tăng cường minh bạch trong hoạt động là những yếu tố quyết định tới việc phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Hội thảo là dịp để các cơ quan hữu quan thống nhất về những giải pháp hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp, qua đó đảm bảo lợi ích cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo nghiên cứu "Hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp để góp phần đảm bảo lợi ích cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam". Báo cáo đã nhận diện các nguy cơ tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp của tòa án liên quan đến giải quyết tranh chấp dân sự, kinh tế.

Hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp được hiểu là hành vi vi phạm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ tòa án (như vi phạm quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, quy định về những việc cán bộ tòa án không được làm); hành vi vi phạm pháp luật (pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung); hành vi vi phạm đạo đức công vụ của cán bộ tòa án.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp của tòa án, Báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra các nhóm giải pháp về hoàn thiện pháp luật; cải thiện hoạt động hành chính tư pháp; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và xử lý kỷ luật đối với thẩm phán, cán bộ tòa án...

Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Thanh tra Chính phủ Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, một trong những giải pháp để góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống tham nhũng là cần phải hoàn thiện quy tắc ứng xử của thẩm phán và cán bộ, công chức ngành tòa án.

Theo đó, quy tắc ứng xử cần phải được xây dựng dựa trên những giá trị cốt lõi. Thứ nhất phải đảm bảo công bằng, trong đó nêu rõ trách nhiệm của thẩm phán hướng tới tính độc lập, công bằng trong xét xử... Thứ hai, đảm bảo tính liêm chính, không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, không nhận hối lộ... Thứ ba, đảm bảo tính đúng đắn, tính nghiêm minh của tòa án qua quy dịnh về nội quy như cách ăn mặc, thái độ, ngôn từ...


TS. Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đánh giá đề tài yêu cầu phải nghiên cứu, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động tư pháp, nhưng Báo cáo đã khoanh lại chỉ nghiên cứu hoạt động của tòa án trong giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế có thể là chưa bao quát hết vấn đề.

Luật sư Thịnh cho rằng phòng, chống tham nhũng trong việc giải quyết các vụ án hình sự cũng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường đầu tư, thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở nước ta; đồng thời cần đặt vấn đề phòng, chống tham nhũng trong mối quan hệ với việc thực hiện nguyên tắc phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực theo yêu cầu của Hiến pháp 2013.

Đánh giá thực hiện nguyên tắc tranh tụng là yêu cầu quan trọng trong việc bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan trong hoạt động tư pháp, tuy nhiên Luật sư Thịnh thấy rằng tranh tụng lại chưa được Báo cáo đề cập đầy đủ như là một trong những giải pháp cần thiết để phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp.

GS. TS Trần Ngọc Đường đề cập tới thực trạng "chạy án" trong xét xử. Theo GS.TS Đường, có hai lý do cơ bản dẫn đến tình trạng này, đó là: hệ thống thủ tục tố tụng chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở và người dân chưa tin tưởng tuyệt đối vào bản án của tòa án.

Đề cập tới hệ thống thủ tục tố tụng còn tạo kẽ hở, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng do các chức danh tư pháp chưa độc lập. Theo đó cần sự độc lập giữa thẩm phán, kiểm sát viên và đương sự, bị cáo, nếu khắc phục được vấn đề này sẽ bịt kín được lỗ hổng; đồng thời cần đảm bảo tính độc lập giữa tòa án sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm...

Thông tin từ hội thảo góp phần nhận diện những nguy cơ làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp của tòa án, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế pháp luật về hoạt động tư pháp, góp phần bảo vệ lợi ích cho hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Triển khai Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ của Ban Nội chính Trung ương
Triển khai Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ của Ban Nội chính Trung ương

Sáng 10/10, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ của ban.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN