Nhiều doanh nghiệp thuộc PVN phủ nhận việc nhận lãi ngoài từ OceanBank

Ngày 6/3, ngày thứ 6 diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm được tiếp tục với phần thẩm vấn những người liên quan và đại diện một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) về những khoản tiền lãi ngoài liên quan đến các hợp đồng tiền gửi từ OceanBank.

Mở đầu phiên thẩm vấn sáng 6/3, bị cáo Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng giám đốc OceanBank) tiếp tục khẳng định, chủ trương chi lãi ngoài tại ngân hàng là có thật và bị cáo thực hiện từ năm 2011. Theo bị cáo Thu, chi trả lãi ngoài được phân chia thành 2 loại là khách hàng lớn do bị cáo Thu và Phương (Nguyễn Thị Minh Phương – nguyên Phó Tổng giám đốc OcenaBank) phụ trách. Bị cáo Nguyễn Xuân Thắng là người báo cáo Thắm.


Tiếp đó, Hội đồng xét xử thẩm vấn bị cáo Nguyễn Trà My (nguyên Phó giám đốc Chi nhánh Thăng Long) về việc chi trả lãi ngoài hơn 14,9 tỷ đồng cho các khách hàng được Nguyễn Thị Minh Phương nhờ làm giúp. Trong khi thẩm vấn Hội đồng xét xử mời đại diện các đơn vị được Nguyễn Trà My khai chuyển tiền đối chất.


Theo lời khai của bị cáo Trà My tại Tòa: Vào khoảng tháng 8/2013, khi Nguyễn Thị Minh Phương, nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược bị ốm, Phương có giao Nguyễn Trà My thực hiện chi trả lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho khách hàng gửi tiền tại OceanBank chi nhánh Thăng Long, gồm: Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin), Tổng Công ty thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), Tổng Công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam và các Công ty thành viên (PVIs), Phương gửi cho My một file Excel và hướng dẫn My nhập thông tin.


Trong đó có cột lãi suất chi ngoài hợp đồng thì My được Phương đọc cho để nhập vào bảng. Sau khi tổng hợp bảng kê xong My gửi Phương kiểm soát lại số liệu và gửi Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc OceanBank xử lý. Sau khi nhận tiền My đứng ra đưa cho đại diện của 3 đối tác lớn: Ông Nguyễn Tuấn Hùng, Trưởng Ban tài chính Tổng công ty thăm dò khai thác Dầu khí PVEP hơn 11 tỷ đồng; bà Hà Minh Nguyệt, Kế toán trưởng Công ty điện lực Dầu khí khoảng 1,7 tỷ đồng; ông Trần Đức Chính, Kế toán trưởng Vinashin khoảng 2,1 tỷ đồng.


Hội đồng xét xử đã mời đại diện các doanh nghiệp nói trên đối chất. Tuy nhiên, hai đại diện của Tổng Công ty thăm dò khai thác Dầu khí PVEP và Công ty Điện lực Dầu khí có mặt tại phiên tòa đều phủ nhận lời khai của bị cáo Nguyễn Trà My. Đại diện hai công ty đều cho rằng không hề biết bị cáo Trà My cũng như chưa từng nhận số tiền chi lãi ngoài nào. Bị cáo Trà My cũng trình bày thêm thời điểm My đưa tiền cho đại diện Tổng công ty thăm dò khai thác Dầu khí PVEP là lúc My đang mang bầu rất lớn nên hình dáng sẽ không giống như bây giờ. Hơn nữa, khi đưa tiền cho khách hàng My thường chỉ đến đưa tiền mà không trao đổi lâu, nên thời gian gặp diễn ra rất nhanh, thường chỉ trong khoảng 30 giây.


Viện kiểm sát và các luật sư tham gia xét hỏi


Trong phần xét hỏi của Viện kiểm sát chiều 6/3, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc của OceanBank vẫn khẳng định thời gian làm Tổng giám đốc tại OceanBank không hề tham gia chi lãi ngoài. Tuy nhiên, khi đại diện Viện Kiểm sát đặt câu hỏi: Với tư cách người điều hành ngân hàng, bị cáo có tham gia vào các hoạt động chăm sóc khách hàng và hỗ trợ kinh doanh không? Nguyễn Xuân Sơn cho biết mình tham gia chương trình phát triển khách hàng, đặc biệt là các khách hàng quan trọng bằng những chi phí kinh doanh. 


Trong trao đổi với Hà Văn Thắm, Sơn có nói chuyện về chiến lược phát triển quan hệ khách hàng và đây là cốt lõi của phát triển. Tại phần trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho mình, Nguyễn Xuân Sơn cũng giải thích thêm chương trình chăm sóc khách hàng này là chương trình chăm sóc kiểu quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu để khách hàng biết được về sản phẩm của mình, ví dụ như đưa khách hàng đi nước ngoài... Bị cáo Sơn cũng cho rằng, “chăm sóc khách hàng” và “chi lãi ngoài” là hai phạm trù khác nhau.


Luật sư bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn cũng hỏi thêm Hà Văn Thắm: “Tôi được biết tất cả các ngân hàng đều có chế độ chăm sóc khách hàng, ngay cả BIDV cũng có một Trung tâm chăm sóc khách hàng rất lớn và họ khai trương rất hoành tráng, anh có cảm thấy đau lòng không khi bị buộc tội vì thực hiện chăm sóc khách hàng?”. Nguyên Chủ tịch OceanBank cho biết: "Không chỉ tôi mà tất cả các anh, chị em nhân viên đều rất đau lòng".


Liên quan tới số tiền 500 tỷ đồng, nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank Nguyễn Văn Hoàn xác nhận đã trực tiếp ký vào biên bản 3 bên (Trung Dung – OceanBank – Đại Tín) về việc phong tỏa tài khoản. Khi tiếp nhận văn bản thì đã có chữ ký của đại diện ngân hàng Đại Tín là ông Trần Nam Sơn và con dấu của ngân hàng. Biên bản được làm thành 3 bản mỗi bên giữ một bản. Sau khi Trung Dung thực hiện phong tỏa tài khoản thì OceanBank đã chuyển 500 tỷ đồng vào tài khoản của công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng). 


Tuy nhiên, đại diện của Ngân hàng Xây dựng cho rằng ngân hàng chỉ nhận được biên bản 3 bên photo chứ không nhận được biên bản gốc nên không thể xác minh được tính pháp lý của biên bản này. Đại diện Ngân hàng Xây dựng cũng cho biết số tiền 500 tỷ đồng đã không còn trong tài khoản của Công ty Trung Dung tại ngân hàng. Sau khi Ngân hàng Đại Tín xác nhận số dư, công ty này xin hai bản, thực hiện 2 ủy nhiệm chi trong đó có tài khoản của ông Phạm Công Danh (Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng). Về vấn đề này Phạm Công Danh khẳng định mình không được nhận số tiền 500 tỷ đồng đó.


Ngày 7/3, phiên xử tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa.


Kim Anh – Minh Huệ (TTXVN)
Vụ án Hà Văn Thắm: Các bị cáo đồng loạt khai chi lãi ngoài theo chỉ đạo của cấp trên
Vụ án Hà Văn Thắm: Các bị cáo đồng loạt khai chi lãi ngoài theo chỉ đạo của cấp trên

Ngày 3/3, phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương - Oceanbank) và các đồng phạm bước sang ngày thứ 5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN