Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại các tỉnh, thành phố, vào thời điểm hiện tại vẫn còn khá nhiều dự án lớn ở các địa phương còn vướng giải phóng mặt bằng (GPMB), tiến độ thi công chậm. * Tại Quảng Nam: Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Phó trưởng Ban quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc cho biết: Trên diện tích 2.300 ha đất được quy hoạch xây dựng khu đô thị mới, đến nay đã thu hút được 41 dự án đầu tư với tổng kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 5 nghìn tỷ đồng nhưng hiện mới chỉ có 13 dự án đang triển khai thực hiện, còn lại là đang trong quá trình ký quỹ đầu tư, đang chuẩn bị đầu tư... Nguyên nhân do khó khăn, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù. Trong đó, nổi cộm nhất là việc người dân tự chiếm đất xây dựng nhà trái phép, khoảng 150 ngôi nhà trên diện tích đất đã giao cho chủ đầu tư, bất chấp pháp luật. Chính quyền địa phương không can thiệp và ngăn chặn được tình trạng xây dựng cơi nới trái phép này. Thậm chí, có những hộ dân tự ý xây dựng trái phép trên cả đất công ích do địa phương quản lý nhưng chưa được giải quyết...
Qua tìm hiểu được biết, toàn huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam hiện có gần 1.000 ngôi nhà xây dựng, cơi nới trái phép của các hộ dân trong huyện cũng như nơi khác đến xây dựng tại các dự án khu công nghiệp, đô thị, du lịch.
*Tại Kiên Giang: Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, hiện 2 dự án thành phần 2 và 3 (tuyến Minh Lương – Thứ Bảy và tuyến tránh Rạch Giá) thuộc giai đoạn 1 của Dự án đường hành lang ven biển phía Nam triển khai trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đều bị chậm tiến độ, do vướng GPMB. Cụ thể, đoạn tuyến Minh Lương -Thứ Bảy mới chỉ bàn giao cho nhà thầu thi công mặt bằng 4 cầu xây mới (Xà Xiêm, Xẻo Xu, Cái Bé và Cái Lớn) cùng 4 bãi thi công của 2 cầu lớn là Cái Bé và Cái Lớn. Tuy nhiên, nhà thầu không thể triển khai công tác chuẩn bị tại mố A1, A2 cầu Cái Bé và mố A1 cầu Cái Lớn, do một vài hộ dân cố tình cản trở thi công vì còn khiếu nại phương án đền bù giải tỏa. Các đoạn còn lại của dự án này cũng chưa được bàn giao mặt bằng do còn điều chỉnh chi trả phần mở rộng theo thiết kế kỹ thuật và chờ di dời các công trình công cộng trên tuyến. Tuyến tránh Rạch Giá đến nay chỉ mới bàn giao được 6,6 km trên tổng chiều dài tuyến là 20,8 km (khoảng gần 32%) từ cầu Cái Sắn về cuối tuyến, nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh do còn một số hộ dân đã nhận tiền đền bù nhưng chưa di dời vì không đồng ý giá và chưa được bố trí tái định cư. Tổng chiều dài tuyến của 2 dự án thành phần này là 43,63 km trị giá lên tới 132,46 triệu USD, thời gian thi công cho cả 2 dự án dự kiến chỉ 3 năm. Đến thời điểm này, đã qua 8 tháng kể từ ngày chính thức khởi công, tức đã hết 22% theo tiến độ hợp đồng và chủ đầu tư dự án đang phải đối mặt với việc bị phạt vi phạm hợp đồng do chậm bàn giao mặt bằng. Dự án đường hành lang ven biển phía Nam là dự án trọng điểm quốc gia, đi qua ba nước Đông Nam Á là Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, dự án này sẽ mở ra con đường giao thương kết nối rộng rãi cho nhiều địa phương, mang lại cơ hội to lớn để thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống cho các cộng đồng dân cư.
* Tại Nam Định: Dự án "Bệnh viện đa khoa qui mô 700 giường" - một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Nam Định triển khai ỳ ạch, gây nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân.
Dự án "Bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường" (Nam Định) sau 4 năm là một tòa nhà 7 tầng mới xong phần... xây thô. |
Nằm trên khu đất rộng hàng chục ha ngay sát quốc lộ 10 thuộc địa bàn phường Lộc Hạ (TP Nam Định), dự án nêu trên có tổng dự toán gần 848 tỷ đồng và được chia làm 4 gói thầu; thời gian thực hiện từ năm 2005 - 2015. Đến nay, trừ gói thầu số 1 (sân lấp, kè hồ điều hòa) đã thi công xong (nhưng vẫn chưa được quyết toán), 3 gói thầu còn lại vẫn còn ngổn ngang, thậm chí nhiều hạng mục vẫn đang ở giai đoạn… ép cọc, đào móng.
Cụ thể, gói thầu BVH1 (xây dựng Khoa khám bệnh và điều trị ngoại trú – hành chính và nghiệp vụ kỹ thuật) được khởi công từ tháng 11/2007 do Liên danh nhà thầu là Công ty cổ phần Xây dựng 504 - VINACONEX và Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) thi công. Sau gần 4 năm "miệt mài" xây dựng, người dân địa phương mới chỉ thấy lấp ló trên bãi đất rộng cỏ mọc um tùm một tòa nhà 7 tầng mới xong phần… xây thô. Trong khi đó, theo hợp đồng, lẽ ra công trình này đã phải hoàn thiện từ ngày 15/1 vừa qua. Tiến độ thi công 2 gói thầu còn lại của dự án là BVH2 (Khoa Ngoại sản, Nhà cầu nối giữa nhà 2 và 3, Nhà cầu nối giữa nhà 2 và 4) và BVH3 (Khoa Nội nhi) xem ra còn lình xình hơn nhiều. Thời gian thực hiện hợp đồng xây dựng BVH2 là 998 ngày. Tuy nhiên, đến ngày 2/8 (575 ngày kể từ khi ký hợp đồng), nhà thầu UDIC vẫn đang "mò mẫm" thi công phần âm của công trình, cụ thể là gia công cọc bê tông và ép cọc đại trà để làm móng. Gói thầu BVH3 được Công ty cổ phần Xây dựng 504 – VINACONEX ký hợp đồng thực hiện trong 1.080 ngày, nhưng đến nay đã qua 575 ngày triển khai xây dựng, công trình vẫn "chưa nhô lên khỏi mặt đất" vì nhà thầu cũng đang trong giai đoạn làm móng.
Điều nghịch lý là dự án trên được triển khai với những điều kiện hết sức thuận lợi mà bất cứ nhà thầu nào cũng… thèm muốn. Ngoài được giao mặt bằng "sạch", nhà thầu luôn được chủ đầu tư là UBND tỉnh Nam Định cho ứng vốn trước. Cụ thể, theo báo cáo của Ban quản lý các công trình trọng điểm tỉnh Nam Định, tại gói thầu BVH1, Công ty cổ phần Xây dựng 504 –VINACONEX đã được thanh toán và tạm ứng hơn 37,1 tỷ đồng trong khi giá trị khối lượng hoàn thành theo hợp đồng mới chỉ đạt gần 32 tỷ. Tương tự, UDIC đã được chủ đầu tư ưu ái cho thanh toán, tạm ứng trên 26,4 tỷ đồng nhưng giá trị phần thi công chỉ đạt hơn 20,4 tỷ đồng. Tại 2 gói thầu BVH2, UDIC được ứng trên 94 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay nhà thầu này mới hoàn thành công việc trị giá 20 tỷ đồng. Tương tự, tại gói thầu BVH3, Công ty cổ phần Xây dựng 504 – VINACONEX được ứng tới 75,5 tỷ nhưng hiện khối lượng hoàn thành thực tế mới chỉ đạt 30 tỷ đồng.
Trần Tĩnh, Hoàng Vân, Thanh Chương