Nhiều ôtô, xe máy bị làm giả nguồn gốc xe

Lợi dụng sơ hở để làm giả giấy tờ, nguồn gốc xe ôtô, môtô nhằm hợp thức hóa xe nhập lậu, xe trộm cắp; dùng giấy đăng ký giả đến làm thủ tục đăng ký xe; làm giả hợp đồng ủy quyền mua bán xe… đang trở nên “nóng” khi gần đây Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hà Nội liên tục phát hiện và thu giữ được nhiều xe gian lận.
 
Quản lý trên 5 triệu đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, với một khối lượng công việc khá đồ sộ, nhờ cải cách thủ tục hành chính, bằng các biện pháp nghiệp vụ, qua công tác đăng ký xe, Đội Đăng ký quản lý phương tiện đã phát hiện và thu giữ được 8 ôtô, 3 môtô (trị giá 15 tỷ đồng) là các phương tiện liên quan đến tội phạm hình sự và trốn thuế.
 
Theo Trung tá Đinh Văn Hòa, Đội phó Đội Đăng ký quản lý phương tiện thì gần đây tội phạm sử dụng phương tiện giao thông diễn ra nhiều và phức tạp. Đặc biệt xuất hiện những thủ đoạn mới, tinh vi, lợi dụng sơ hở để làm giả giấy của Hải quan, hợp đồng mua bán giả, số khung, số máy bị đục tẩy, xe nhập lậu… nhưng tìm đủ mọi cách để hợp thức hóa thành xe “xịn”.
 
Qua công tác kiểm tra xe, đồng chí Nguyễn Minh Thúy, cán bộ cơ sở đăng ký xe số 1 đã phát hiện đối tượng dùng đăng ký giả đến làm thủ tục đăng ký xe. Tiến hành xác minh, Đội Quản lý xe đã bàn giao vụ việc cho Công an phường Cửa Nam điều tra. Quá trình mở rộng điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm thu giữ 5 xe ôtô Lexus đeo biển kiểm soát giả, đăng ký giả.
 
Sau vụ việc này, Tổ công tác cơ sở 4 trong quá trình tiếp nhận hồ sơ lại phát hiện xe ôtô Innova BKS 30K-8805 có dấu hiệu bị đục, tẩy số máy, số khung, hợp đồng công chứng mua bán, ủy quyền xe giả mạo. Quá trình điều tra cho thấy, chiếc xe này làm giả hợp đồng công chứng, mua đi bán lại qua 8 chủ xe ở các tỉnh, thành phố, bị đục tẩy, đóng lại số máy, số khung và làm giả hợp đồng ủy quyền mua bán xe ôtô. Hiện vụ việc đang được Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về QLKT và CV mở rộng vụ án để điều tra.
 
Theo Đội Đăng ký quản lý phương tiện, ngay cả việc xin sang tên đổi chủ cũng có trường hợp làm giả giấy tờ. Phương thức làm giả khá tinh vi, nếu không có kinh nghiệm và nghiệp vụ sắc bén thì khó có thể phát hiện ra. Vụ việc xảy ra gần đây nhất là Tổ công tác số 3 khi tiếp nhận hồ sơ xin sang tên của chủ xe BKS 29U – 9765 thấy có nhiều nghi vấn đã báo cáo lãnh đạo tiến hành kiểm tra. Sau khi xác minh Tổ công tác phát hiện bản công chứng trong hồ sơ là giả.
 
 

Qua việc quản lý đăng ký phương tiện, lực lượng CSGT Công an Hà Nội phát hiện nhiều mô tô, ô tô làm giả giấy tờ.

 

Những trường hợp xe máy bị đục số khung, số máy, cắt dán từ xe mô tô khác và hàn vào xảy ra khá nhiều. Gần đây nhất đơn vị phát hiện 2 chiếc xe máy Spacy đã đăng ký tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ninh di chuyển về Hà Nội (hồ sơ xe tịch thu). Qua kiểm tra và giám định thì số máy của 2 chiếc xe máy được cắt từ xe mô tô khác và hàn vào chiếc xe trên, đăng ký bị tẩy xóa, viết bằng tay dòng chữ nhãn hiệu (chiếc xe này trị giá khoảng 150 triệu đồng). Vụ việc sau đó được bàn giao cho Phòng CSHS điều tra mở rộng vụ án. Nhưng qua đây cũng cảnh giác người tiêu dùng phải thận trọng khi mua xe máy cũ.

 

Trung bình 1 tháng, số phương tiện đăng ký mới của Hà Nội tăng khoảng 3.600 phương tiện. Nếu không kiểm tra kỹ lưỡng hồ sơ thì khó có thể phát hiện những dấu hiệu trốn thuế. Từ đầu năm 2012 đến nay, qua công tác đăng ký quản lý phương tiện đã phát hiện nhiều trường hợp xe ôtô, môtô thanh lý nhưng khai giá trị thấp để trốn thuế như trường hợp xe môtô Honda, dung tích 1300cm3 có nguồn gốc tịch thu, cán bộ tiếp nhận thấy nghi vấn vì xe có giá trị lớn nhưng được bán thanh lý với giá quá rẻ. Sau khi xác minh được biết, chiếc xe trên thuộc đường dây buôn lậu, đối tượng buôn lậu đã cấu kết với một số cán bộ thuộc huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang hợp thức hóa xe nhập lậu (chiếc xe trên có trị giá 500 đến 600 triệu đồng).

 

Theo Trung tá Đinh Văn Hòa thì trước đây, số đối tượng “cò” làm đăng ký xe ôtô, môtô thường tụ tập ở một số quán nước trước cổng Phòng CSGT để mồi chài làm đăng ký xe cho người dân. Nhiều người vì tin “cò” nên đã “tiền mất tật mang”. Sau khi Phòng CSGT triển khai nhiều biện pháp chống nạn “cò” như tuyên truyền, dán ảnh để cảnh báo người dân thì hiện nay “cò” lừa đảo với quy mô lớn đã không còn. Tuy nhiên, người dân cũng phải hết sức cảnh giác khi gặp “cò” đăng ký xe, đặc biệt là mua xe đã qua sử dụng để tránh mua phải xe bị đục số khung, số máy, giấy đăng ký giả.

 

 

Theo cand.com.vn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN