Xét xử bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) cùng đồng phạm trong đại án thất thoát hơn 2.000 tỉ đồng tại OceanBank. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Do vậy, để hạn chế hoạt động những chiếc vòi bạch tuộc này, rất cần những giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm ngăn ngừa từ xa, trong đó chú trọng tập trung làm trong sạch đội ngũ cán bộ đảng viên, thực hiện tốt công tác cán bộ, đảm bảo thu hồi được tài sản thất thoát cho Nhà nước, cho nhân dân.
Làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên ngay tại cơ sởNhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước đã thường xuyên chỉ đạo, đưa ra các phương hướng, giải pháp phòng, chống tham nhũng với mục tiêu đặt ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời củng cố lòng tin của nhân dân, xây dựng Ðảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính. Công tác phòng chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước thực hiện dựa trên quan điểm vừa tích cực, chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, trong đó phòng ngừa là chính.
Việc đưa các vụ án kinh tế ra xét xử nghiêm minh trong thời gian gần đây đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thể hiện rõ pháp luật không có vùng cấm, bất cứ ai, dù ở cương vị nào, nếu vi phạm đều bị xử lý theo pháp luật.
Đề xuất về những biện pháp phòng ngừa tội phạm kinh tế, tham nhũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng cho rằng phải thường xuyên kiểm kê, kiểm soát tài sản của cán bộ quản lý. Theo ông Trương Minh Hoàng, để ngăn ngừa tận gốc, trước hết phải kiểm soát về thu nhập, công khai, kê khai tài sản. Nếu kiểm soát chặt vấn đề đó thì mới có thể kiểm soát được tài sản đầu vào của cán bộ ở đâu mà có, từ đâu hình thành nên. Kiểm soát được thu nhập, người có suy nghĩ tham lam, cố tình sai phạm để trục lợi cho mình sẽ không thực hiện được, hoặc muốn biếu xén cho người khác thì người khác cũng bị kiểm soát thu nhập nên không dám nhận, khó mà thao túng được đội ngũ cán bộ, nhất là những người có chức có quyền.
Để tránh hình thức, cần niêm yết công khai bản kê khai tài sản này của cán bộ tại cơ quan và địa phương, tạo điều kiện cho tổ chức và người dân tăng cường công tác giám sát, phát hiện sai phạm ngay từ khi mới manh nha. Qua việc minh bạch công khai thông tin này, những cán bộ kê khai tài sản sẽ không dám kê thiếu, kê sai tài sản, hạn chế tham nhũng, chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Ngoài ra, việc đơn giản hóa các thủ tục quy định, hoàn thiện chính sách tiền lương, có chế độ đãi ngộ phù hợp cho cán bộ công chức, siết chặt kỷ cương, thực hiện công tác cán bộ một cách khoa học, phù hợp, công tâm, khách quan… cũng sẽ góp phần làm cho tham nhũng hết “đất sống”, khiến cho các cán bộ, công chức “không thể, không dám và không cần tham nhũng”.
Công tâm chọn người có đức, có tàiMột nguyên nhân nữa không thể không đề cập khi nhìn lại quá trình công tác của Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC), đó là những tồn tại, hạn chế trong quy trình đánh giá và bổ nhiệm cán bộ. Thực tế những sai phạm xảy ra tại PVN, PVC mà Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh là những người đứng đầu đã diễn ra từ những năm 2007 - 2008, nhưng suốt khoảng thời gian sau đó, Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh vẫn liên tục được xem xét, bổ nhiệm vào những vị trí công tác cao hơn.
Phân tích về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trương Minh Hoàng cho rằng, để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong các vụ việc thời gian qua, rõ ràng đây là một sơ suất, sai trong quá trình xem xét, quy hoạch, sử dụng cán bộ. “Cũng phải nói thêm rằng, những người cố ý thực hiện hành vi sai trái để đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cũng rất tinh vi trong việc che giấu khuyết điểm. Bằng chứng là qua các bước hệ thống như vậy, làm chặt chẽ như vậy, càng ngày càng tốt như thế mà vẫn không bị phát hiện. Qua các vụ việc này, các tổ chức cơ sở trong hệ thống chính trị cũng cần phải rút kinh nghiệm trong quá trình xem xét, cân nhắc, quy hoạch, đào tạo cán bộ, có như vậy mới tránh được những sai lầm đáng tiếc như hiện nay khi phải đưa ra xét xử một nguyên Ủy viên Bộ Chính trị”, ông Trương Minh Hoàng nói.
Đánh giá về công tác tổ chức cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, qua thực tiễn càng ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt. Bác Hồ từng nói, mọi việc thành bại đều do cán bộ, bố trí cán bộ đúng là khác, bố trí sai là khác, rất nguy hiểm”.
Tại Hội nghị toàn quốc Ngành tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hồi đầu năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn nhìn nhận: “Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả...”. Từ đó, Tổng Bí thư yêu cầu làm rõ những hạn chế này để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm; đồng thời chú trọng đến công tác cán bộ thường xuyên; tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ.
Điều này thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước ta trong việc bố trí, sử dụng cán bộ, cũng như công tác giám sát cán bộ, đảng viên một cách công tâm, khách quan, chặt chẽ, đúng quy trình thủ tục. Nhất là việc đánh giá cán bộ sao cho chính xác, chọn những người có đức, có tài để đưa vào bộ máy Đảng, chính quyền các cấp. Đây cũng là một cách hạn chế tham nhũng tiêu cực, phát huy khả năng của cán bộ có năng lực, dám đứng lên thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn những việc làm sai, chống tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm. Qua đó, từng bước lấy lại niềm tin của nhân dân, củng cố uy tín của cấp ủy, tổ chức Đảng, giữ gìn danh dự và phẩm chất cách mạng của người đảng viên.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại của công tác cán bộ, ông Phạm Ngọc Thảo (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội) cho rằng, tổ chức Đảng trong mỗi bộ, ngành cần có quy hoạch cụ thể về công tác cán bộ thuộc ngành mình quản lý để có cơ sở lựa chọn người có tài, có đức. Việc quy hoạch cán bộ phải đảm bảo thực sự dân chủ, công khai, minh bạch, đặc biệt coi trọng người có kinh nghiệm hiệu quả trong công tác thực tiễn, được quần chúng ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tín nhiệm bầu ra, tuyệt đối không được áp đặt.
Việc tuyển chọn cán bộ cần kết hợp tốt giữa bằng cấp và kinh nghiệm thực tiễn nhưng cần ưu tiên coi trọng kinh nghiệm thực tiễn và hiệu quả thực tiễn hơn bằng cấp. Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ đãi ngộ phù hợp, thỏa đáng với hiệu quả thực tế để cán bộ yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, theo dõi, giúp đỡ thường xuyên, lắng nghe ý kiến phản ánh của quần chúng, nhân dân và Mặt trận Tổ quốc nơi cư trú về cán bộ đó.