Nhức nhối nạn 'cát tặc' ở Hà Nội - Bài cuối: Những rào cản 'tiếp tay'

Khi tiếng côn trùng xuất hiện về khuya, cũng là giờ cao điểm những chiếc thuyền máy hút cát trái phép nổ xoành xoạch, phá vỡ sự yên bình vốn có của sông Hồng.

Những “con vạc” đêm


Đối tượng cát tặc được ví như những con vạc, bởi chúng luôn hoạt động về khuya cho đến sáng hôm sau. Đây là quãng thời gian “vàng” vì ánh sáng mờ ảo, “cát tặc” dễ bề trốn thoát và giấu mặt khi chống trả táo tợn với lực lượng kiểm tra.

Ngồi trên thuyền tuần tra dọc tuyến sông Hồng đoạn quận Nam Từ Liêm, huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Đại úy Nguyễn Hồng Dũng, trinh sát Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội cảnh báo chúng tôi tắt các thiết bị công nghệ lóe sáng để các đối tượng khó lòng phát hiện từ xa và tránh sự hiểm nguy “mưa đá”.

Trước tình trạng nhức nhối cát tặc đục khoét dòng sông, Công an Hà Nội liên tiếp chỉ đạo, ban hành kế hoạch số 11 và nhiều chuyên đề, chuyên án để trấn áp. Thậm chí đối với những đối tượng bảo kê có tổ chức, quy mô lớn, Công an Hà Nội còn nhờ sự tăng cường vào cuộc quyết liệt của Bộ Công an. Tuy nhiên, với sự hoạt động ngày càng tinh vi và bất chấp pháp luật, việc trấn áp hết sức khó khăn, chưa hiệu quả; phần khác là sự vào cuộc chưa đồng bộ, chưa quyết liệt, thiếu thường xuyên, thậm chí trên mỗi địa bàn còn có biểu hiện làm ngơ cho cát tặc hoạt động. Bên cạnh đó, do cơ chế chính sách và pháp luật chưa đủ mạnh để phạt răn đe người vi phạm, việc tái phạm liên tiếp diễn ra, việc truy bắt “cát tặc” chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”.

Chiếc tàu cuốc đang hút trộm cát trên sông Hồng - đoạn gần kè Thụy Phú, xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên.


Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Hà Nội cho biết: Các chủ đầu nậu bảo kê cho các thuyền nhỏ, chủ yếu là lao động nghèo, dân vạn đò sống lênh đênh trên sông nên xử phạt không hề dễ. Lực lượng cảnh sát mỏng, thiết bị thiếu, thậm chí phải thuê ca nô mỗi lần đi kiểm tra, nên tiếp cận đối tượng vi phạm rất khó khăn, thậm chí còn bị chống trả bằng gạch đá, vòi rồng phun nước. Việc xử lý thuyền bè vi phạm cũng là một vấn đề nan giải vì phải cắt cử người trông nom, phần lớn cảnh sát lại không biết lái thuyền lớn, việc lai dắt thuyền vào nơi neo đậu gặp nhiều trở ngại. Cả tuyến sông Hồng qua Hà Nội dài hàng trăm cây số mà chỉ có khoảng 5 điểm neo đậu cách xa nhau nên khó khăn lại càng chồng chất.

Cần hóa giải nhiều bất cập

Theo quy định, hiện nay nhiều cơ quan có thẩm quyền bắt và xử phạt các lực lượng khai thác cát trái phép như: Chính quyền xã, huyện; thanh tra tài nguyên môi trường; cảnh sát tài nguyên môi trường; cảnh sát đường thủy... Tuy nhiên, thực tế việc trấn áp đối tượng khai thác cát chủ yếu “phó mặc” cho lực lượng công an cấp thành phố. Trong khi số cảnh sát làm nhiệm vụ ít, mỗi lần đi tuần tra chủ yếu lại phải phối hợp với chính quyền địa phương dẫn tới nhiều bị động. Chưa nói đến công tác quản lý tài nguyên ở các địa phương còn bị xem nhẹ, thậm chí có nơi thiếu hợp tác.

Dòng sông Hồng đoạn đi qua nhiều huyện, thị thuộc địa bàn Hà Nội có tổng diện tích 200 km2. Thành phố Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho 10 doanh nghiệp khai thác ở 77 bãi cát nổi; 6 doanh nghiệp được khai thác cát lòng sông, vừa tận thu nguyên liệu vừa có tác dụng tạo độ sâu, luồng lạch phát triển kinh tế đường thủy. Ngoài những doanh nghiệp này còn có cả chục doanh nghiệp khác được cấp giấy phép từ các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ.


Một bất cập lớn và là mấu chốt khó hóa giải nhất trong câu chuyện này là tình trạng “cấp phép trên giấy”, còn khi ra thực tế bị biến báo như một “ma trận” khó phân xử đúng - sai. Các giấy phép đều có ghi doanh nghiệp được hoạt động khai thác ở địa bàn xã, huyện, tỉnh cụ thể. Tuy nhiên, thực địa trên dòng sông lại không có mốc giới phân định, dẫn tới các doanh nghiệp khai thác vượt quy định, thẩm quyền, không những vi phạm địa giới giữa các xã trong tỉnh, mà còn “lấn sân” sang các tỉnh khác.

Ở địa bàn Hà Nội các huyện như Phúc Thọ, Ba Vì, Thường Tín, Phú Xuyên luôn phải đối mặt với việc các doanh nghiệp tỉnh ngoài sang khai thác cát trái phép. Khi Công an Hà Nội bắt giữ tàu thuyền vùng giáp ranh thì các tỉnh khác lại cho rằng đây là địa bàn của họ, dẫn tới tranh chấp khó xử lý và phân giải. Tình trạng khai thác cát hợp pháp chồng lấn lên nhau, cũng là cơ hội để các tàu thuyền khai thác trái phép hoạt động tranh chấp với có phép, bởi không biết đâu là “thực - hư”.

Vì vậy, việc cấp bách cần làm sớm nhất hiện nay theo đề nghị của ông Phùng Quang Hiển đó là: Các tỉnh, thành phố cần tăng cường sự phối hợp; đồng thời mỗi địa phương cần có những hội nghị họp bàn tổng thể, chỉ đạo các ngành phối hợp chặt chẽ với nhau; nhất là Sở Tài nguyên môi trường, Sở Nội vụ và các địa phương cần tiến hành cắm mốc giới phân định cụ thể dòng sông chảy qua địa phận xã, huyện và tỉnh. Bên cạnh đó, các bãi cát nổi ở Hà Nội đến thời gian hết hạn cũng cần tiến hành rà soát để cấp phép mới. Có như vậy thì việc đấu tranh, xử lý vi phạm mới thuận lợi, đặc biệt là dễ quy rõ trách nhiệm cho từng địa phương.


Bài và ảnh: Nguyễn Văn Cảnh



Nhức nhối nạn 'cát tặc' ở Hà Nội - Bài 2: Vì đâu lộng hành?
Nhức nhối nạn 'cát tặc' ở Hà Nội - Bài 2: Vì đâu lộng hành?

Trước tình trạng lộng hành của “cát tặc”, dư luận cho rằng có sự “chống lưng” của chính quyền. Song chính quyền khẳng định nguyên nhân là do khó khăn trong việc thực thi pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN