Đô thị phát triển mạnh, nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng, nhất là cát, sỏi, đang trở nên “nóng” hơn bao giờ. Trong khi đó, những bãi cát tự nhiên được cấp phép khai thác theo thời gian dần cạn kiệt. Để cung ứng cho các công trình xây dựng, những kẻ hám lợi đã thò vòi “bạch tuộc” xuống các tuyến sông, hút cát đem bán bất chấp hậu quả và luật pháp…Ngang nhiên khoét sôngChúng tôi từ quận Hà Đông tới huyện Phú Xuyên để “mục sở thị” hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Hồng. Đến thôn Cát Bi, xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên, ô tô chạy chậm dọc đoạn đê Hữu Hồng mấp mô những “ổ gà, ổ trâu". Phía dưới bánh xe là cát đen, cát vàng vương vãi. Nhìn qua cửa xe thấy dưới bãi sông, vật liệu xây dựng chất cao như núi nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ. Xa xa phía giữa sông, chiếc “tàu cuốc” cùng tàu sà lan đang hì hục hút cát.
Chiếc tàu cuốc đang hút trộm cát trên sông Hồng - đoạn gần kè Thụy Phú, xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên. |
Chúng tôi vượt qua bãi ngô cùng những bụi lau sậy tiến ra phía triền sông. Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội Nguyễn Văn Hải khoát tay, chỉ mặt con “tàu cuốc” to lừng lững như ngôi nhà nổi, đoạn gần kè Thụy Phú, nói: Tàu khai thác cát này hoạt động không phép đã nhiều tháng nay tại đoạn sông này.
Trên tàu là cả một hệ thống máy móc phục vụ việc nạo, hút lòng sông để lấy cát, lấy sỏi. Cát từ đáy sông được đưa lên đổ trực tiếp vào khoang thuyền vừa để tận thu lại vừa dễ dàng và nhanh chóng rút lui cũng như chạy trốn nếu bị người dân và các cơ quan chức năng phát hiện. Kiểu khai thác cát này đã làm thay đổi dòng chảy của sông, gây sạt lở đê điều.
“Cát tặc” rất tinh quái khi chọn địa bàn hoạt động là khúc sông giáp ranh giữa xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên, Hà Nội và huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Bởi, đang nạo vét lòng sông nếu thấy lực lượng chức năng của Hà Nội xuất hiện là tàu chạy sang phía bờ tả ngạn sông Hồng (thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên) để tránh. Ngược lại, khi thấy lực lượng chức năng của Hưng Yên xuất hiện thì chúng lại dong tàu hút sang phía hữu ngạn sông Hồng thuộc địa phận quản lý của Hà Nội để "tạm trú”. Lực lượng chức năng vừa đi khuất, “cát tặc” lập tức quay trở lại ngang nhiên như không có chuyện gì xảy ra.
Thấy có phóng viên TTXVN đến tìm hiểu “cát tặc” hoành hành, người dân thôn Cát Bi, xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên đổ xô đến kêu cứu và “chỉ mặt” những chiếc tàu cuốc.
Chị Nguyễn Thị Tân, thôn Cát Bi, xã Thụy Phú, Phú Xuyên cho biết: “Cách đây nhiều tháng, tôi và người dân trong thôn, trong xã phát hiện sự hoạt động ngang nhiên của tàu hút cát này. Nó hút cát ở đây nhiều lắm, cứ xình xịch cả ban ngày, ban đêm. Lạ một điều là cái tàu cuốc to như cái nhà ngày đêm hút cát thì cả xã đều biết nhưng hình như chính quyền không biết vì có thấy ai xử lý gì đâu. Cứ đà này chẳng mấy mà đất đai rồi cái miếu thờ thành hoàng gần đây tụt hết xuống sông. Chúng tôi ở rìa đê dễ chết như chơi”.
Hậu quả khó lườngTrao đổi với chúng tôi, người dân xã Thụy Phú còn cho biết, ngoài tàu cuốc trên còn có nhiều tàu cuốc khác ở gần đó liên tục khai thác lấn ra ngoài vị trí được cấp phép. Nhưng đến khi cơ quan chức năng đi kiểm tra thì lại cho tàu chạy về vị trí được cấp phép để “che mắt” cơ quan chức năng. “Họ hút ngày hút đêm ở khu vực kè Thụy Phú làm cho đất đai hai bên bờ sông sạt lở, lau lách và một số loại cây trồng của gia đình cũng theo đất trôi sông”, một người dân cảm thán.
Không riêng xã Thụy Phú, huyện Phú Xuyên, nạn “cát tặc” cùng tình trạng khai thác tận thu, sử dụng bến bãi làm nơi tập kết, trung chuyển, kinh doanh cát sỏi còn diễn ra khắp hai bờ tả, hữu sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ theo địa bàn các huyện như Thường Tín, Đông Anh, Phúc Thọ, Ứng Hòa...
Như ở khu vực bến Chèm, xã Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, các bãi tập kết cát, đá hoạt động nhộn nhịp trên xe, dưới thuyền, bất kể trong điều kiện thời tiết nắng, mưa. Hàng trăm ngàn mét khối cát tạo thành những ngọn núi cao ngút tầm mắt. Cát chứa trên bãi, chất lên cả bờ kè. Sức nặng của những bãi cát to như quả núi ấy, lúc bình thường đã đe dọa trực tiếp đến sự an nguy của hệ thống đê kè, nhưng thêm những trận mưa xuống, nước chảy vào cát, thấm xuống cơ đê, thì hiểm họa càng trở nên khó lường.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội Nguyễn Văn Hải, thời gian qua, hệ thống đê Hà Nội đã xuất hiện hàng chục sự cố sạt lở ở khoảng hơn 40 vị trí khác nhau trên các tuyến đê, trong đó đê sông Hồng có gần 20 sự cố.
Nhiều tuyến đê xuất hiện những hàm ếch, nguyên nhân do nạn đào, hút cát bừa bãi nhiều năm qua gây ra như ở kè Xuân Canh, huyện Từ Liêm; đê sông Nhuệ (đoạn qua huyện Thường Tín); các vị trí K12 +458 xã Đặng Xá, K18+900 xã Phù Đổng, K20+400 đến 600 xã Lệ Chi và xã Trung Mầu đều thuộc huyện Gia Lâm, làm ảnh hưởng nghiêm trong đến an toàn các kè Sen Hồ, Lời, Động Viên, Thịnh Liên và làm mất một số diện tích đất sản xuất của địa phương.
Rõ nhất là vụ kè Hồng Hậu trên tuyến đê Hữu Hồng, đoạn qua phường Phú Thịnh, thị xã Sơn Tây bị sạt trượt tại vị trí từ K29 + 850 đến K30 + 050, nhiều nơi vết sạt trượt dài, ăn sâu vào cả trăm mét. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sạt lở có liên quan đến các hộ kinh doanh cát tại đây khi đã chất chứa cát vàng, sỏi, đặt cả các thiết bị vận chuyển, neo đậu tàu, thuyền lên bãi sông, đỉnh kè, có hộ còn chứa vật liệu xây dựng ngay trên mái đê, đỉnh kè với khối lượng rất lớn, cát vàng chứa cao hơn cả mặt đê đến 5 m.
Bài và ảnh: Hạnh QuỳnhBài 2: Vì đâu lộng hành?