Nộp phạt cho CSGT chỉ áp dụng ở những địa bàn đặc thù

Liên quan đến Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, chiều 10/2, trao đổi với phóng viên TTXVN.

Trung tướng Đỗ Đình Nghị (giữa) kiểm tra trang bị mới của lực lượng tuần tra kiểm soát và chỉ huy điều khiển giao thông. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Trung tướng Đỗ Đình Nghị , Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, Bộ Công an cho biết, hình thức nộp phạt trực tiếp cho Cảnh sát giao thông như trong dự thảo chỉ được áp dụng trong trường hợp địa điểm xảy ra vi phạm ở nơi xa xôi hẻo lánh, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn và ngoài giờ hành chính, kho bạc không làm việc. Không có chuyện Bộ Công an sẽ tiến hành đại trà hình thức thu tiền phạt trực tiếp đối với người vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, Trung tướng Đỗ Đình Nghị khẳng định.

Cũng theo Trung tướng Đỗ Đình Nghị, mục đích của việc ban hành Thông tư lần này nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, nhất là các Điều 78 về Thủ tục nộp tiền phạt và Điều về Nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Thông tư cũng còn nhằm hướng dẫn chi tiết việc triển khai Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, đảm bảo cho việc chấp hành và thực thi quy trình xử lý vi phạm giao thông công khai, minh bạch, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Theo Dự thảo Thông tư, trường hợp hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức, xảy ra tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm thu tiền phạt tại chỗ và nộp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày thu tiền phạt. Mọi trường hợp thu tiền phạt, người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt.

Dự thảo này hiện đang trong quá trình lấy ý kiến các địa phương, bộ ngành và nhân dân trước khi trình lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt. Bộ Công an sẵn sàng tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân để tiếp tục bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Thông tư, Trung tướng Đỗ Đình Nghị nhấn mạnh.


Quang Vũ
5,5 triệu vụ vi phạm giao thông năm 2013
5,5 triệu vụ vi phạm giao thông năm 2013

Năm 2013, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý trên 5,5 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt 2,9 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe gần 450 nghìn trường hợp, tạm giữ 31.400 ô tô, trên 600 nghìn xe mô tô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN