Tôi đã muốn quên hẳn những kí ức về Luyện, kể từ ngày đầu đặt chân lên phố Sàn sau thảm án kinh hoàng ngày 24/8 năm ngoái. Vụ án đã được điều tra, giải quyết với tốc độ khá nhanh chỉ sau 5 tháng rưỡi điều tra phá án và xét xử. Những ai lương thiện trong xã hội này cũng muốn gạt hắn ra khỏi trí nhớ của mình, mà trước đó dù muốn hay không, truyền thông đã đẩy hắn vào tâm trí mỗi người.
Rất nhiều người đã muốn tử hình Luyện, nhưng luật là luật, không thể phụ thuộc vào cảm xúc một ai.
Sự căm thù Luyện càng lên cao sau thái độ lạnh lùng đến ghê người của Luyện trong suốt phiên tòa. Nét mặt của hắn không chút thể hiện sự ăn năn hối hận mà nó trơ ra một sự vô cảm, vô hồn. Nhìn vẻ mặt ấy, khó ai có thể đoán biết tâm trạng Luyện.
Lê Văn Luyện (giữa) và các bị cáo tại tòa ngày 10-1. |
Theo dõi phiên tòa, tôi đã cố tìm một khoảnh khắc thể hiện sự đau khổ của Luyện, như để giải thoát mình khỏi ám ảnh nặng trịch về hắn. Nhưng tuyệt nhiên không. Đôi khi Luyện tủm tỉm cười với những người xung quanh. Thậm chí, khi kết thúc phần xét hỏi, trước khi chuyển sang tranh tụng, vị luật sư bào chữa “gợi ý” Luyện xin phép chủ tọa phiên tòa cho phép được một lần quay xuống nói lời xin lỗi và xin gia đình nạn nhân, nhưng Luyện chỉ đứng lặng thinh trước vành móng ngựa, không nói câu nào.
Luật đã định: “Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội...”. Đã có nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi hạ thấp tuổi được miễn án tử hình xuống để ngăn ngừa tội phạm. Nhưng hạ xuống bao nhiêu, ai dám chắc 15, 16, hay 17 tuổi thì các em không phạm tội? Hơn nữa, cũng cần nhớ rằng Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990. Luật pháp trong nước cũng phải phù hợp với các chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam tham gia. Và một sự thật, dù có sửa luật đi nữa, Luyện vẫn chỉ phải chịu 18 năm tù, bởi... cũng theo luật, nếu luật được sửa sau thời điểm xảy ra vụ án, thì luật mới chỉ được áp dụng nếu xét thấy có lợi cho bị cáo. Vì vậy hình phạt của Luyện cũng khó tăng nặng.
Vì thế cái đọng lai trong tôi sau vụ án, không phải là việc pháp luật có tử hình Luyện hay không, mà là nụ cười của Luyện.
Sau thảm án, không phải một gia đình, mà nhiều gia đình tan nát. Không chỉ ngôi nhà nạn nhân, ngôi nhà Luyện hoang lạnh như cái nhà ma không một bóng người. Không xa đó là ngôi nhà nghèo xác xơ của ông nội Luyện, ông Lê Văn Ngà. Ông sống một mình, dáng vẻ gầy yếu, cô đơn đến đáng thương. Sau vụ việc của Luyện, ông luôn sợ hãi, xa cách với bất kì ai hỏi thăm. Chiếc cổng tre ọp ẹp luôn khóa chặt bằng những lần dây xích quấn lại. Mẹ Lê Văn Luyện biến mất, dân phố Sàn đồn bà bị thần kinh, trong phiên tòa, bà ta không xuất hiện.
Sau chuyện động trời Luyện gây ra, nếu LÀ CON NGƯỜI đúng nghĩa, nếu không quỵ hẳn cũng suy sụp bởi suy nghĩ, giày vò, ân hận.
Tôi đã từng tham dự phiên tòa xử vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, hắn đã khóc khi nói lời cuối cùng. Trong phiên tòa này, tôi chờ một giây phút xúc động của Luyện, nhưng điều nhìn thấy, chỉ là những nụ cười tủm tỉm.
Vậy tôi còn trông chờ gì ở Luyện? Một cậu bé học hết lớp 9, ở nhà phụ bố mẹ mổ thịt lợn một thời gian, rồi bỏ nhà đi lang thang, làm thuê tứ tán, sống với cặn bã của xã hội, bố mẹ cũng bỏ mặc. Một kẻ như Luyện, đừng trông mong nó nghĩ gì. Thật chua chát khi nghĩ rằng, khi một thằng điên ở truồng chạy nhông nhông ngoài đường, người xấu hổ không phải là nó mà là những người trót nhìn thấy nó. Hãy cố quên nó đi!
Theo thethaovanhoa.vn